Sáng 26/11, Tập đoàn Phenikaa đã chính thức ra mắt trường đại học phi lợi nhuận và quỹ đổi mới sáng tạo có mức đầu tư ban đầu 1.000 tỷ đồng để tài trợ không hoàn lại cho các dự án nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp có tiềm năng.
Đến dự sự kiện có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Phúc… cùng nhiều khách mời thuộc giới nghiên cứu và giảng viên đại học.
Trong
bài phát biểu của mình, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam đã chúc mừng và đánh giá cao việc Tập đoàn Phenikaa “dũng cảm” dành một phần nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng của mỗi cá nhân
Sau 9 năm ra đời, Tập đoàn Phenikaa với lĩnh vực cốt lõi là sản xuất công nghiệp và vật liệu sinh thái, đã quyết định mở rộng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục với việc chính thức ra mắt Trường Đại học Phenikaa. Hoạt động theo hình thức không vì lợi nhuận, Trường Đại học Phenikaa nhận sự bảo trợ toàn diện của Tập đoàn Phenikaa. Mọi nguồn thu từ hoạt động và tài trợ của trường sẽ được tái đầu tư để phát triển trường.
Nói về ngôi trường có tiền thân là Đại học Thành Tây, TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Phenikaa, cũng là Chủ tịch Hội đồng Trường, nhiều lần nhấn mạnh, “Đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng của mỗi cá nhân là kim chỉ nam của mọi hoạt động, là thước đo cho sự thành công của chúng tôi”.
Xuất phát điểm là một trường theo hướng dạy nghề, nhưng giờ đây Đại học Phenikaa đặt mục tiêu trở thành một trường đại học đa ngành, xuất sắc theo chuẩn quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hướng nghiệp; và trong vòng 20 năm nữa, sẽ vào Top 100 trường đại học xuất sắc nhất châu Á. Trường đang có gần 4.000 sinh viên theo học tại 12 khoa.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, Trường đầu tư 1.600 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, các trang thiết bị giảng dạy, thực hành, thí nghiệm, và nghiên cứu..., trở thành một trong bốn trường đại học tư ở Việt Nam đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho cơ sở vật chất. Với gần 100 phòng thực hành/phòng thí nghiệm, Trường mang đến cho sinh viên cơ hội trải nghiệm theo nhiều cách: Trải nghiệm bằng việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong môi trường làm việc, nghiên cứu; trải nghiệm với sự chia sẻ và hướng dẫn của chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chuyên môn; trải nghiệm để lý giải tận gốc rễ các phương pháp - giải pháp được ứng dụng trong thực tế từ các kiến thức đã được học.
Về mặt giảng viên, Trường đang gây dựng một đội ngũ nòng cốt hầu hết là những nhà khoa học trẻ, nhiệt thành và có khả năng hợp tác quốc tế cao. Trong số các giảng viên – nhà nghiên cứu của trường, có đến 3 người nằm trong danh sách Top 100.000 các nhà khoa học có số lượt trích dẫn hàng đầu thế giới, và 3 người từng giành giải thưởng Tạ Quang Bửu về nghiên cứu khoa học cơ bản do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng hằng năm.
Trường cũng thành lập 4 viện và trung tâm, hoặc tập trung vào khoa học cơ bản, hoặc tập trung vào khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ. Đây sẽ là những nơi sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh có thể đến thực tập, nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ.
Nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo để “thay đổi thế giới"
Trong khi đó, Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa (Quỹ Phenikaa) được thành lập với mong muốn tạo tiền đề cho các nhà nghiên cứu khoa học nuôi dưỡng đam mê và tự tin dấn thân trên con đường đổi mới sáng tạo với tinh thần “Thay đổi thế giới", theo lời GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, Giám đốc Quỹ Phenikaa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng ban điều hành Quỹ trong lễ ra mắt tại Hà Nội, 26/11/2019. Ảnh: BTC
Quỹ Phenikaa hoạt động không vì lợi nhuận và cam kết tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng bao gồm cá nhân và tập thể trong và ngoài nước có các ý tưởng, công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo công nghệ, mong muốn phát triển sự nghiệp tại Việt Nam và góp phần vào sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
Được biết, Quỹ Phenikaa gồm 6 loại chương trình tài trợ và hỗ trợ: Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản xuất sắc (thường niên); Chương trình tài trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo (thường niên); Chương trình hỗ trợ đề án xây dựng các Phòng thí nghiệm nghiên cứu xuất sắc (thường niên); Chương trình hỗ trợ nghiên cứu hợp tác quốc tế; Chương trình hỗ trợ các hoạt động phục vụ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; và Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ trong nước.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ Tập đoàn Phenikaa sẽ cố vấn cho Quỹ trong việc đánh giá, xét chọn các dự án xứng đáng. Thành phần của Hội đồng là các nhà khoa học, tư vấn, doanh nhân có uy tín trong và ngoài Tập đoàn, chia thành các tiểu ban chuyên môn phù hợp với từng lĩnh vực.
“Là những người làm khoa học, đã từng trải nghiệm việc tiếp cận đầu tư của nhiều Quỹ Đổi mới sáng tạo, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, tôi và các nhân sự làm việc tại Quỹ sẽ nỗ lực đem sự thấu hiểu đó vào quá trình điều hành, xây dựng và phát triển Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa, nhằm mang lại những giá trị tốt nhất cho các tổ chức, các nhà khoa học, các Start-up đã, đang và sẽ gửi niềm tin cho Quỹ,” GS.TS Phạm Thành Huy phát biểu.
Trao đổi với báo Khoa học và Phát triển, ông Huy cho biết, hiện Quỹ đang lên kế hoạch cho các bước tiếp theo như mời gọi hồ sơ để xét duyệt và tài trợ đợt đầu. Con số tài trợ cho mỗi dự án tạm thời chưa được xác định, “nhưng về cơ bản sẽ dựa trên đề xuất thực tế”.
Như vậy, tiếp sau Vingroup, Phenikaa là tập đoàn thứ 2 thành lập quỹ tài trợ cho khoa học và công nghệ. Năm 2018, Vingroup cho ra mắt hai quỹ Vingroup Innovation Fund (VinIF) và VinTech Fund, trong đó VinIF chuyên tài trợ các dự án nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, còn VinTech Fund chuyên hỗ trợ hiện thực hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Dù không công bố các quỹ này có mức đầu tư ban đầu là bao nhiêu, nhưng trong đợt tài trợ đầu tiên, các quỹ đã tài trợ từ 2,5 đến 10 tỷ đồng cho mỗi dự án. Một số tập đoàn lớn khác như Viettel, CMC, FPT… đều quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ nhưng chủ yếu là với vai trò nhà đầu tư, khi họ lần lượt cho ra đời các quỹ đầu tư mạo hiểm trong vòng 5 năm trở lại đây. Trước đó, các quỹ tài trợ khoa học và công nghệ đều là quỹ của nhà nước hoặc nước ngoài.
Cách đây gần 10 năm, khi quyết định thành lập Tập đoàn Phenikaa, những người đặt bút vạch ra định hướng phát triển đầu tiên cho Tập đoàn đã nuôi dự định trong đầu về việc hình thành mối liên kết giữa ba khía cạnh: Sản xuất kinh doanh - Nghiên cứu khoa học - Giáo dục đào tạo. “Chúng tôi gọi đây là Hệ sinh thái Phenikaa, hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững, khuyến khích tự do sáng tạo, đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng mỗi cá nhân bằng phương châm gắn chặt đào tạo - nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ với giải quyết các yêu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội,” TS Hồ Xuân Năng chia sẻ trong bài phát biểu. Với sự
kiện ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Phenikaa, Tập đoàn sở hữu
thương hiệu đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp hàng đầu thế giới
VICOSTONE đã chính thức đánh dấu bước hoàn chỉnh Hệ sinh thái của mình.
Trong khuôn khổ sự kiện ra mắt sáng 26/11 tại Hà Nội, Tập đoàn Phenikaa còn ký bản ghi nhớ
hợp tác với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước thuộc Bộ
Khoa học và Công nghệ nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động
khoa học và công nghệ liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
và Trường Đại học Phenikaa ký thoả thuận hợp tác giáo dục toàn diện với
Trường Đại học Andrews (Mỹ). |