“Phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP |
Trong số nhiều nội dung quan trọng, toàn diện của bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Trong đó, đầu tiên là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thực tế, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã khẳng định xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đặc biệt coi trọng việc rà soát, sửa đổi các bất cập, vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng theo Thủ tướng, từng cán bộ làm công tác thể chế, kể cả cấp chuyên viên, cấp vụ đều phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tâm, công tâm, khách quan; tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống; phải tháo gỡ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về thể chế đang gặp phải, không cài cắm lợi ích công vụ, lợi ích ngành, địa phương.
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với mục tiêu cắt bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư kinh doanh.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền quản lý.
Chính phủ đã ban hành Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với quan điểm nhất quán là lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/5/2020; giảm hết mức số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Những kết quả nêu trên đã được ghi nhận qua những đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế uy tín. Trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; Giai đoạn 2018-2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc , từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia hàng đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra thực trạng container phế liệu làm nguyên liệu nhập khẩu bị chậm trễ thông quan tại cảng Hải Phòng. - Ảnh: VGP |
Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ vừa qua, mô hình Tổ công tác của Thủ tướng đã phát huy hiệu quả, được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2017, Trung ương đánh giá Tổ công tác của Thủ tướng hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm, đem lại hiệu quả tích cực… Phản hồi của Hiệp hội Doanh nghiệp ghi nhận những chỉ đạo thiết thực, cụ thể của Chính phủ và các bộ đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thể hiện tinh thần đồng hành với doanh nghiệp.
Với sự hoạt động tích cực, hiệu quả, Tổ công tác đã kịp thời phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng trống pháp lý; nhiều vấn đề bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương; nhiều bất cập, yếu kém trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan địa phương chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đã góp phần tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.
Thông qua các cuộc kiểm tra, Tổ công tác kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, những khoảng trống pháp lý hoặc những khó khăn, vướng mắc, những rào cản hành chính mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện hàng trăm nhiệm vụ cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Có nhiều văn bản ban hành đã ghi dấu ấn về sự đồng hành, phản ứng kịp thời, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất, kinh doanh để ứng phó với đại dịch COVID-19; về tinh thần cải cách mạnh mẽ, cầu thị, quyết liệt của các bộ, cơ quan.
Trong đó, phải kể đến Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp và tiền thuê đất, Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thông tư số 01/2019/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ quy định bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất...
Chính phủ xác định công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước đang bước sang giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật, trước hết là các đạo luật. Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, tạo đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước, như tinh thần bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.