Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam lớn thứ ba trong khu vực, chỉ sau Singapore và Indonesia. Tuy nhiên, năm 2016, các startup Việt Nam mới thu hút được chưa đến 7% tổng số tiền tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp tại Đông Nam Á (100 triệu USD /1,5 tỷ USD).
Thông tin này được bà Thạch Lê Anh - Giám đốc Dự án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam - cho biết tại Hội thảo “Hoàn thiện các đề án xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp” do Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN tổ chức ngày 24/7 tại TPHCM.
Bà Lê Anh cho biết, hiện nay quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Điển hình như tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup năm 2016 tại Mỹ là 69,1 tỷ USD, năm 2017 các công ty công nghệ cao của Israel huy động được 5,24 tỷ USD. Ở Việt Nam, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hoặc đội ngũ điều hành quan trọng hiện diện ở Việt Nam có rất ít nên những startup tốt khó tìm được vốn đầu tư. “Trong khi đó, nếu không có quỹ đầu tư mạo hiểm thì đừng nói đến việc đổi mới sáng tạo. Vì vậy, xây dựng các không gian làm việc chung cần xác định làm sao để thu hút các nhà đầu tư hơn là thu hút startup” – bà Lê Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, cho biết thêm, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các quỹ nước ngoài không thành lập quỹ tại Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện. Số lượng các nhà đầu tư thiên thần cũng chưa có nhiều, hầu hết là các doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu thực hiện, đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thế hệ sau. Kiến thức và kinh nghiệm của các nhà đầu tư thiên thần Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp cũng còn hạn chế.
Cũng theo ông Trúc, nhận thức về khởi nghiệp của người Việt Nam đã tăng nhưng còn thấp so với mức bình quân của các nước đang ở giai đoạn phát triển tương tự như Việt Nam (tức là chiếm khoảng 55,6% dân số). “Việc đào tạo về khởi nghiệp và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học còn chưa mạnh. Trong khi đó, cũng chưa có nhiều đào tạo, tập huấn cho huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư” – ông Trúc nói.
Để xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp, bà Lê Anh cho rằng, trước tiên cần phải có một chương trình truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư. Chương trình được thực hiện ở các tỉnh, thành phố cho các đối tượng là những nhà quản lý, xây dựng chính sách, … để biết thế nào là đầu tư và hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Từ đó giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư cho các startup. Các chương trình này nên mời bằng được những người đứng đầu của các tỉnh, thành phố, trường đại học,.. Ngoài ra, cần phối hợp với các vườn ươm để ươm tạo các ý tưởng thành doanh nghiệp khởi nghiệp.
Kiều Anh