Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện từ năm 2023 như sau:

I/ Danh mục đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng tuyển chọn

1. Đề tài số 1:

* Tên đề tài: Nghiên cứu tình trạng hậu COVID-19 và đề xuất một số giải pháp can thiệp tại Thái Bình năm 2023.

* Mục tiêu chính:

- Xác định tỷ lệ, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của hội chứng hậu COVID-19 tại Thái Bình năm 2023;

- Đề xuất một số giải pháp can thiệp.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Báo cáo về tỷ lệ, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của hội chứng hậu COVID-19 tại Thái Bình;

- Một số giải pháp can thiệp;

- 02 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong hoặc ngoài nước;

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: Năm 2023.

2. Đề tài số 2:

* Tên đề tài: Phục tráng và phát triển giống ổi Bo Thái Bình.

* Mục tiêu chính:

- Đánh giá thực trạng phân bố và sản xuất giống ổi Bo ở tỉnh Thái Bình;

- Xác định vùng địa lý tương đồng để thực hiện các biện pháp kĩ thuật trồng ổi Bo;

- Tuyển chọn cây đầu dòng và giống cây đầu dòng;

- Xây dựng quy trình nhân giống, quy trình phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc ổi Bo;

- Xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm ổi Bo;

- Xây dựng mô hình sản xuất ổi Bo.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Báo cáo thực trạng phân bố và sản xuất giống ổi Bo ở tỉnh Thái Bình;

- Bảng cơ sở dữ liệu về đặc tính nông, sinh học của giống ổi Bo; bảng kết quả phân tích cụ thể số liệu về nông hoá, thổ nhưỡng, các điều kiện sinh thái và thời tiết khí hậu trong vùng ổi nguyên sản và các địa điểm khác của tỉnh có điều kiện nông hoá thổ nhưỡng và sinh thái tương tự;

- Đánh giá được đa dạng di truyền nguồn gen ổi Bo bằng kĩ thuật sinh học phân tử;

- 05 cây ổi Bo đầu dòng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình công nhận; xây dựng vườn 10 cây mẹ làm vật liệu nhân giống góp phần bảo vệ nguồn gen quý và phục vụ mở rộng khai thác diện tích ổi Bo tại Thái Bình;

- Quy trình nhân giống; quy trình phòng trừ sâu bệnh; quy trình chăm sóc ổi Bo Thái Bình;

- Mô hình 01 ha cải tạo vườn ổi Bo có sẵn theo hướng thâm canh tổng hợp ứng dụng các biện pháp kĩ thuật nhằm khôi phục vườn ổi. Mô hình cho năng suất tăng 10-15% so với canh tác truyền thống;

- Mô hình 02 ha trồng mới ổi Bo. Cây trồng trong mô hình là cây ghép (hoặc cây chiết) sinh trưởng khoẻ, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, nhanh cho thu hoạch so với cách trồng truyền thống;

- Nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho giống ổi Bo Thái Bình;

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: Năm 2023-2025.

3. Đề tài số 3:

* Tên đề tài: Phát triển công nghệ sản xuất viên nén thức ăn cho trâu, bò từ phế phụ phẩm hữu cơ, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ và kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

* Mục tiêu chính:

- Sản xuất được 01 tấn viên nén thức ăn cho trâu bò từ nguồn phế phụ phẩm hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Từng bước thúc đẩy người dân tham gia vào nền nông nghiệp hữu cơ và nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Quy trình sản xuất viên nén thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm hữu cơ quy mô tối thiểu 50kg/h;

- 01 tấn sản phẩm viên nén thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò;

- Tiêu chuẩn cơ sở cho viên nén thức ăn chăn nuôi trâu, bò;

- Mô hình ứng dụng viên nén thức ăn cho trâu, bò;

- Tài liệu hướng dẫn sử dụng viên nén thức ăn cho trâu, bò;

- 02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành;

- 01 giải pháp hữu ích (chấp nhận đơn hợp lệ);

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: 2023-2024

4. Đề tài số 4:

* Tên đề tài: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”.

* Mục tiêu chính:

- Đánh giá thực trạng sản xuất Mật ong rừng Sú Vẹt tại Thái Bình;

- Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”;

- Xây dựng quy trình quản lý, khai thác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Báo cáo đánh giá thực trạng sản xuất Mật ong rừng Sú Vẹt tại Thái Bình;

- Giấy chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình” và bộ hồ sơ đi kèm;

- Quy trình quản lý, khai thác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”;

- Quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin điện tử;

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: 2023-2024

5. Đề tài số 5:

* Tên đề tài: Ứng dụng chế phẩm thảo mộc và sinh học để phòng trừ sâu, bệnh trong sản xuất su hào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Thái Bình.

* Mục tiêu chính:

- Đánh giá hiện trạng sản xuất rau trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Xác định một số chế phẩm thảo mộc và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu, bệnh trong sản xuất su hào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

- Xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm thảo mộc và chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất su hào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Thái Bình.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Báo cáo hiện trạng sản xuất rau trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Bộ chế phẩm thảo mộc và chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trên cây su hào tại Thái Bình;

- Quy trình sử dụng chế phẩm thảo mộc và chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất su hào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

- Mô hình sử dụng chế phẩm thảo mộc và chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất su hào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với quy mô 02 ha/mô hình/ huyện x 02 huyện;

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: 2023-2024

6. Đề tài số 6:

* Tên đề tài: Nghiên cứu sản xuất, ứng dụng chế phẩm thảo mộc dạng nano phòng chống bệnh héo xanh trên cây khoai tây tại Thái Bình.

* Mục tiêu chính:

- Đánh giá tình hình sản xuất và sâu bệnh hại cây khoai tây tại Thái Bình;

- Sản xuất 01-02 chế phẩm thảo mộc dạng nano phòng trừ bệnh héo xanh cây khoai tây tại Thái Bình;

- Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây sử dụng chế phẩm thảo mộc dạng nano phòng trừ bệnh héo xanh trên cây khoai tây tại Thái Bình;

- Tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm thảo mộc dạng nano cho người dân ở các vùng trồng khoai tây trọng điểm của tỉnh Thái Bình.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Báo cáo thực trạng sản xuất và sâu bệnh trên cây khoai tây tại Thái Bình;

- 01-02 chế phẩm thảo mộc dạng nano phòng chống bệnh héo xanh cây khoai tây tại Thái Bình được công bố theo quy định;

- 01 quy trình sản xuất, 01 bản hướng dẫn sử dụng chế phẩm thảo mộc dạng nano phòng chống bệnh héo xanh cây khoai tây tại Thái Bình;

- Mô hình trình diễn quy mô 01-02 ha có hiệu lực phòng trừ bệnh héo xanh đạt trên 65%; năng suất khoai tây tăng 5-10% so với sản xuất thông thường;

- 200 người dân được tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm thảo mộc dạng nano trong phòng chống bệnh héo xanh trên cây khoai tây;

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: 2023-2024

7. Đề tài số 7:

* Tên đề tài: Nghiên cứu, ứng dụng giải pháp điều khiển thông minh hệ thống cống ngăn mặn và điều tiết nước phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

* Mục tiêu chính:

- Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng hệ thống cống dưới đê ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ điều khiển;

- Xây dựng mô hình điều khiển thông minh cống ngăn mặn và điều tiết nước.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Báo cáo điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng hệ thống cống dưới đê ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Báo cáo đề xuất các giải pháp công nghệ điều khiển;

- Mô hình điều khiển thông minh cống ngăn mặn và điều tiết nước (lắp đặt tại 02 con sông lớn của tỉnh Thái Bình);

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: 2023-2024

8. Đề tài số 8:

* Tên đề tài: Nghiên cứu đánh giá thực trạng chuyển đổi số và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

* Mục tiêu chính:

- Đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

* Dự kiến sản phẩm chính:

- Báo cáo đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Báo cáo một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

- Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.

* Thời gian thực hiện: 2023-2024

II. Hồ sơ và việc tiếp nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn

Các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký tuyển chọn chuẩn bị hồ sơ theo các nội dung cụ thể như sau:

1. Tên đề tài, mục tiêu chính, yêu cầu đối với sản phẩm chính của đề tài như trên.

2. Điều kiện tham gia tuyển chọn; Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh Thái Bình.

(Các Văn bản và Mẫu Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ, địa chỉ http://www.sokhcn.thaibinh.gov.vn).

3. Thời hạn nộp hồ sơ tham gia tuyển chọn: Từ ngày 31/8/2022 đến hết ngày 31/10/2022 trong giờ hành chính. Ngày chứng thực nhận hồ sơ theo dấu đến của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình (cả trường hợp nộp trực tiếp và nộp qua đường bưu điện).

4. Nơi nhận Hồ sơ: Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình – Số 36A, Phố Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Kết quả tuyển chọn sẽ được thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Phòng Quản lý Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, điện thoại: 0227.364.1596./.