Đồng Nai là nơi sống của quần thể voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước.

Voi xuất hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Nguồn: sggp.org.vn
Voi xuất hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Nguồn: sggp.org.vn

Trong hai năm qua, Tổ chức giúp đỡ động vật Human Society International (HSI) đã thực hiện chương trình giám sát voi bằng bẫy ảnh để xây dựng cơ sở dữ liệu ghi nhận và định dạng từng cá thể voi (gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt; đặc điểm thể trạng và xác định phân loại nhóm, đàn cụ thể trong sinh cảnh sống).

Tại hội thảo đánh giá Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa do Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNN) phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai và HSI tổ chức ngày 30/8, HIS cho biết các nhà nghiên cứu đã ghi nhận và xác định số cá thể voi tại Đồng Nai trên thực tế cao gấp đôi số liệu đã được ghi nhận trước đây, với 25-27 cá thể thay vì 14 cá thể.

Các cơ quan quản lý và HSI hy vọng kết quả khả quan tại Đồng Nai là tín hiệu tốt để có thể áp dụng mở rộng sáng kiến ở tất cả các tỉnh có voi phân bố tại Việt Nam, đặc biệt là Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam - nơi những quần thể voi rất quan trọng đang sinh sống - nhằm xác định chính xác hơn số lượng cá thể voi trên toàn quốc.

Dự án đặc biệt với HSI không chỉ giúp giám sát và hiểu rõ hơn về quần thể voi, mà còn cung cấp các nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ xung đột voi-người. Trong những năm qua, dữ liệu về địa điểm xảy ra xung đột, mức độ, tần suất xung đột, cũng như số lượng voi và phản ứng của chúng với các biện pháp giảm thiểu xung đột... đã được thu thập.