Sau khi được các chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDEC2) tư vấn, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất kỹ thuật Cơ khí ANPHA đã sắp xếp lại các khu vực làm việc, để vật tư, thiết bị cho hợp lý, nhờ đó giảm được thời gian chờ ở giai đoạn gia công và tiết kiệm 10% nguyên vật liệu sản xuất.
Công ty Cơ khí ANPHA (TPHCM) chuyên sản xuất và chế tạo máy đóng gói, máy đóng gói cà phê, máy đóng gói tự động, máy ép ly tự động, máy ép ly sữa chua, máy chiết rót chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Bà Phan Thu Hiền, Công ty Cơ khí ANPHA, cho biết, trước khi tham gia Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), các loại máy móc, thiết bị, vật tư,… bố trí không hợp lý cho quá trình sản xuất, trong khi Công ty lại có khá nhiều các loại máy móc thiết bị. “Vật tư thì để ngay trước cửa nhà máy, đường đi thì không đủ diện tích để xe nâng di chuyển, khu vực làm việc không được phân biệt rõ ràng” – bà Hiền nói và cho biết thêm, kho vật tư cũng để tràn làn, chưa quy định sắp xếp rõ ràng và không nghĩ là việc bố trí lại khu vực làm việc sẽ giảm được chi phí, thời gian chờ trong sản xuất.
Khi tham gia Chương trình 712, Công ty thành lập Ban cải tiến, cùng với các chuyên gia của SMEDEC2 khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng bố trí mặt bằng tại doanh nghiệp. Từ đó, thống nhất phạm vi áp dụng và đào tạo nhận thức cho cán bộ công nhân viên tham gia. Sau khi nghiên cứu và đề xuất lựa chọn phương án bố trí mới, Công ty tiến hành thực hiện phương án cải tiến với việc bố trí lại khu vực theo quy trình sản xuất, di dời khu cấp vật tư, di dời các phòng làm việc, kho vật tư vào những nơi hợp lý,… Đồng thời, treo biển nhận dạng cho từng khu vực, kẻ vạch phân định, đường đi.
Bà Hiền cho biết, sau khi phương án cải tiến được hoàn thành và cán bộ công nhân viên tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện theo đúng quy định, Công ty giảm được thời gian chờ trong sản xuất. Nếu trước khi cải tiến, tại công đoạn gia công phải mất 140 phút chờ đợi, thì sau khi cải tiến thời gian này rút xuống chỉ còn 40 phút. Bên cạnh đó, thời gian tìm kiếm nguyên vật liệu tại công đoạn gia công cũng giảm từ 180 phút xuống còn 60 phút. Đồng thời, chi phí nguyên vật liệu cho một máy tại công đoạn gia công cũng giảm được 10% nhờ quản lý tốt kho vật tư và thành phẩm tại mỗi công đoạn trong quá trình sản xuất” – theo bà Hiền nói.
Chương trình 712 được triển khai từ năm 2010 đến nay đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng mới các tiêu chuẩn Việt Nam, hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng,… Ngoài ra, khối lượng lớn kiến thức về năng suất như 5S, Kaizen, Lean, Six gma, TPM, KPI,… cũng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyến điểm, giảm lãm phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
SMEDEC2 được Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng giao chủ trì thực hiện tại khu vực phía Nam các nhiệm vụ thuộc dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình 712. Hiện SMEDEC2 đang nhận các doanh nghiệp trên cả nước đăng ký tham gia dự án, áp dụng các nội dung như Mô hình Nhóm huấn luyện (TWI), Đánh giá hiệu quả công việc, Bố trí mặt bằng, Nghiên cứu thao tác và thời gian, Năng suất xanh, Công cụ 5S, Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000,…
Tham gia Dự án, doanh nghiệp được hỗ trợ miễn phí về tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống các hệ thống quản lý (ISO 14000, ISO 22000,…) và những công cụ năng suất miễn phí phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp (thay vì doanh nghiệp phải bỏ chi phí thực hiện một hệ thống/công cụ).