Chiều 8/5, 5 nhóm khởi nghiệp của chương trình Ươm tạo SIP100 đã có buổi thuyết trình cuối cùng để giành khoản đầu tư lên đến 20.000USD từ các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp.

SIP 100, do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) của Đại học Ngoại thương tổ chức, là chương trình ươm tạo trong 100 ngày giúp sinh viên và các bạn trẻ từng bước xây dựng doanh nghiệp dựa trên các ý tưởng kinh doanh sáng tạo đã có.

Các tác giả và chuyên gia, nhà đầu tư tại buổi thuyết trình.

Từ hơn 200 ý tưởng từ các cuộc thi khởi nghiệp sinh viên và các nhóm khởi nghiệp trên toàn quốc, SIP100 đã chọn lựa được 10 dự án tiềm năng đến từ khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ngãi, Bến Tre...

Trong 100 ngày, các nhóm khởi nghiệp tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình thông qua các hoạt động đào tạo chuyên sâu, cố vấn/tư vấn từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Quá trình này thử thách tính kiên trì theo đuổi đam mê của các nhà sáng lập, đồng thời đánh giá tính khả thi kinh doanh và khả năng hấp dẫn đầu tư của dự án.

Phát biểu tại SIP100 Demo Day, PGS-TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - đánh giá, trong số các ý tưởng khởi nghiệp, có nhiều ý tưởng bám sát đời sống người dân, môi trường, phát triển kinh tế.

"Trước đây, chúng tôi mới quan tâm đến ý tưởng của sinh viên và lựa chọn những ý tưởng xuất sắc qua các cuộc thi. Tuy nhiên, để có thể áp dụng từ ý tưởng vào thực tế lại là chuyện khác. Do đó, chúng tôi sẽ quan tâm tới việc hình thành các quỹ khởi nghiệp cho sinh viên. Hiện chúng tôi đang kết hợp với FIIS tiến tới mục tiêu hình thành được quỹ đầu tư mạo hiểm, khi đó bài toán giúp các dự án khởi nghiệp được đưa vào thực tế mới được giải quyết trọn vẹn" - PGS Tuấn nói.

Được biết, sau buổi thuyết trình hôm nay, các chuyên gia và nhà đầu tư sẽ tiếp tục làm việc để chọn ra dự án xuất sắc nhất có thể nhận được khoản đầu tư lên đến 20.000USD từ các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp. Các nhóm còn lại sẽ tiếp tục được hỗ trợ đào tạo kỹ thuật để hoàn thiện và phát triển dự án.

Trước chương trình SIP100, Đại học Ngoại thương đã tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên như Khởi nghiệp cùng Kawai, Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam (VSIC), Sáng tạo xanh, Dynamic - Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai... để lan tỏa nhiệt huyết đổi mới sáng tạo trong giới trẻ đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nhóm sau cuộc thi.

5 nhóm khởi nghiệp tham gia thuyết trình tại SIP100 Demo Day:

1. Slidefactory.asia:
Là doanh nghiệp thiết kế và cung cấp dịch vụ thiết kế thuyết trình cho khách hàng là người đi làm và doanh nghiệp tại Đông Nam Á. Khách hàng có nhu cầu có thể dễ dàng đặt hàng dịch vụ yêu cầu thiết kế qua website và nhận được sản phẩm trong tối đa 48 giờ.

2. Csam: Giải quyết các vấn đề mà sinh viên và các cán bộ quản lý tại các ký túc xá gặp phải về đăng ký lưu trú, quản lý dữ liệu, cung cấp dịch vụ trực tuyến... Ngoài việc hướng tới đối tượng sinh viên lưu trú tại các cơ sở trường đại học, dự án sẽ mở rộng ra các trung tâm lưu trú khác như khách sạn, bệnh viện...

3. Vinarongbien: Là dự án giải quyết thực trạng đầu ra của ngành rong biển Việt Nam nói chung và rong biển Lý Sơn nói riêng. Dự án chế biến dạng thô của rong biển thành các sản phẩm nước uống đóng chai, trà thảo dược rong biển, cháo rong biển, mặt nạ dưỡng da rong biển và bột rong biển Lý Sơn giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe của người sử dụng.

4. GaT - Give and Take: Là nền tảng kết nối người đọc sách thông qua các hoạt động: mượn, trao đổi sách; chia sẻ thông tin tủ sách cá nhân; đánh giá và viết nhận xét sách. Với nền tảng này, GaT mong muốn xây dựng một cộng đồng đọc, chia sẻ sách dựa trên sự tin tưởng và xa hơn là mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc và làm giảm các rào cản về khả năng tiếp cận việc đọc của giới trẻ.

5. Tasa: Là doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tinh khiết từ phân tằm đầu tiên trên thị trường. Tasa đi theo con đường tạo ra một thương hiệu phân bón xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.