Ngày 21/3, TPHCM, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố ấn phẩm sách trắng lần thứ 10 về các vấn đề thương mại - đầu tư và những kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ.

Sách trắng 2018 gồm 28 chương, bao gồm một chương về Hiệp định Thương mại tự do giữa liên minh châu Âu và Việt Nam; 11 chương trình bày các vấn đề liên ngành; 13 chương về các vấn đề chuyên ngành.

Những kiến nghị trong Sách Trắng được chia thành hai phần chính. Phần thứ nhất tập trung vào các vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực như: tổ chức doanh nghiệp, năng lượng và điện, tăng trưởng xanh, đối tác công – tư, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), phát triển nguồn nhân lực và đào tạo,… Phần thứ hai giải quyết những vấn đề liên quan và kiến nghị cụ thể đến các ngành như: dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, thực phẩm dinh dưỡng,…

s
Sách Trắng 2018 được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm.

Liên quan đến quyền SHTT, bà Đoàn My, đại diện tiểu ban quyền SHTT của EuroCham cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực cải cách khung pháp lý bảo hộ SHTT. Tuy nhiên, vẫn còn diễn ra khá phổ biến những vi phạm về quyền tác giả, đánh cắp bản quyền, tranh chấp tên miền,… Cụ thể, năm 2017, Việt Nam có 42 vụ tranh chấp về tên miền đã đăng ký, lượt truy cập vào trang web vi phạm bản quyền cao gấp 29 lần trang web phân phối phim trực tuyến hợp pháp,… Trong khi đó, hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ quan chuyên trách thực hiện các giám định các vấn đề về quyền tác giả. Nhiều trường hợp, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả không thể thực hiện quyền tác giả vì họ không thể lấy ý kiến giám định quyền tác giả để xác nhận hành vi vi phạm – theo bà My.

s
Sách Trắng 2018 gồm 28 chương

EuroCham cũng ghi nhận những nỗ lực của Cục SHTT trong quá trình thiết lập và duy trì cơ sở dữ liệu trực tuyến để đưa công khai và minh bạch thông tin về hồ sơ xin cấp và đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, những công bố này còn chưa có thông tin liên quan đến khiếu nại, hủy và chấm dứt hiệu lực cũng như tình hình xử lý các vụ việc vi phạm.

Vì vậy, tiểu ban Quyền SHTT của Eurocham kiến nghị, Việt Nam cần bổ sung quy định về công nhận quyền tác giả hoặc quyền sở hữu tác phẩm văn học nghệ thuật; ban hành quy định chống chiếm dụng tên miền; xây dựng một khuôn khổ pháp lý riêng cho cơ chế và thời hạn giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHTT;…

Toàn bộ nội dung của Sách Trắng 2018 được công bố tại đây.