Đã có những hành động thiết thực ủng hộ và đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực hiện cam kết được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26).

Triển lãm giới thiệu những sản phẩm xanh, bền vững của doanh nghiệp Thụy Điển - Ảnh: VGP

Tại COP26, cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đầy trách nhiệm của Việt Nam đã được bạn bè trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm khoảng 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (tương đương 83,9 triệu tấn CO2). Tuy nhiên, theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, với sự hợp tác của các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, mức đóng góp này có thể được tăng lên đến 27% nếu có sự hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Có thể thấy, cánh cửa hợp tác này luôn rộng mở.

Xuyên suốt chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào giữa tháng 5/2022, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh là hai từ khoá hàng đầu trong các cuộc gặp, thảo luận về vấn đề kinh tế. Việt Nam nhận được cam kết hỗ trợ từ phía Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) trong tư vấn chính sách và vận động nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới, đặc biệt đối với xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững và bao trùm, thu hút các nguồn đầu tư, tài chính, công nghệ xanh vào Việt Nam để hỗ trợ nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng…

Tiếp đó, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thuỵ Sĩ, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma đưa ra thông tin, Việt Nam nằm trong danh sách được các nước G7 ưu tiên hợp tác về năng lượng.

Tại Việt Nam, trong hai ngày 12-13/5/2022, Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu do Chính phủ Việt Nam, UNDP và Chính phủ Na Uy phối hợp tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng và chuyên gia từ 44 quốc gia được đánh giá là minh chứng rõ nét về cam kết của Việt Nam trong việc ưu tiên giải quyết các vấn đề toàn cầu liên quan tới con người và hành tinh.

Mới đây nhất, Chương trình "Tiên phong đột phá" do Đại sứ quán Thụy Điển, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden), UBND Thành phố Hồ Chí Minh và VCCI thể hiện rõ thiện chí đồng hành, hợp tác cùng có lợi giữa Thuỵ Điển và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Chương trình được tổ chức từ ngày 2-3/6/2022 tại TPHCM có những trọng tâm là: Năng lượng bền vững, sản xuất bền vững, tiêu dùng và sử dụng nguyên phụ liệu bền vững, kinh tế tuần hoàn. Các tập đoàn Thụy Điển đang có mặt tại Việt Nam như ABB, Ericsson, H&M, IKEA, Atlas Copco, Tetra Pak chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp điển hình liên quan tới các nội dung trên.

Quả thật, như phát biểu của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe tại lễ khai mạc, Thụy Điển là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Quốc gia này có các kinh nghiệm thực tiễn - và các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ - để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Với những ưu thế đó, có nhiều cơ sở để tin rằng, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững, sản xuất bền vững… giữa hai nước sẽ giúp nâng kim ngạch thương mại hai chiều, vốn mơi chỉ ở mức trên 1,53 tỷ USD trong năm 2021.

Đối với phía doanh nghiệp Thuỵ Điển, mục tiêu đương nhiên là tăng phần đóng góp cho kim ngạch thương mại hai chiều từ giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường quốc gia Bắc Âu này. Trong khi đó, với doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội không chỉ đến từ việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường do doanh nghiệp nước bạn sản xuất.

"Thụy Điển đang có mong muốn trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng năng lượng hóa thạch, đồng thời đáp ứng 100% nhu cầu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2040. Đó là điều mà Việt Nam muốn tranh thủ, học hỏi và hợp tác với Thụy Điển, nhất là bắt nhịp được với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang từng ngày, từng giờ lan tỏa vào từng khía cạnh của đời sống", đại diện VCCI phát biểu tại sự kiện.

Trên thực tế, trong đích đến phát triển bền vững, doanh nghiệp và rộng hơn là nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều lợi thế của người đi sau. Việc tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi ở tầm mức quốc tế sẽ tạo cơ hội để chúng ta được lựa chọn những giải pháp, chiến lược phù hợp và tối ưu nhất với các mục tiêu cụ thể của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, theo lãnh đạo VCCI, chắn chắn rằng, quan hệ song phương Việt Nam – Thụy Điển, trong đó nổi bật là hợp tác thương mại và đầu tư sẽ góp phần không nhỏ vào việc hiện thực hóa mục tiêu dài hạn về việc chuyển đổi mô hình kinh tế sử dụng năng lượng hóa thạch sang phát triển kinh tế bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, carbon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường, cũng như xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Về phía TPHCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch TPHCM phát biểu: "Thành phố sẵn sàng hợp tác với các đối tác Thụy Điển cũng như cộng đồng quốc tế ở khía cạnh tài chính xanh, công nghệ xanh và nâng cao năng lực. Tôi mong rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những chương trình, dự án đầu tư cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết mà Thành phố đang đối mặt, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp".