Các dự án đã tiến hành đánh giá mức độ ảnh hưởng có thể có của chúng đến quần xã sinh vật rạn san hô bao gồm cả sự thay đổi mức độ canxi hóa trong quá trình sinh trưởng của san hô tự nhiên dưới sự thay đổi điều kiện môi trường.
Vấn đề axít hóa đại dương - ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học và làm tăng nguy cơ mất cân bằng của các hệ sinh thái biển - đã được bước đầu nghiên cứu ở Việt Nam thông qua đề tài cấp Nhà nước (ĐTĐL.CN28/17); dự án USAID/PEE (Grant 816); chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (QT. RU.04.02/18-19); và hỗ trợ kỹ thuật của IOC/WESTPAC, phòng thí nghiệm đạt chuẩn về nghiên cứu axít hóa đại dương được thiết lập tại Viện Hải dương học.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng axít hóa nước biển trong vùng biển khảo sát cũng tương tự như tình trạng các khu vực biển khác. Những thông số liên quan axít hóa thu được qua các nghiên cứu có thể coi là phông nền cho giám sát diễn biến sau này.
Về mối liên hệ giữa các thông số axit hóa với quần xã sinh vật rạn san hô như san hô cứng, cá rạn san hô và một số nhóm động vật không xương sống kích thước lớn (thân mềm, da gai) cho thấy, chỉ số aragonite trong môi trường tại các khu vực khảo sát có thể gây ức chế cho quá trình canxi hóa của các sinh vật. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu sâu và chi tiết để đánh giá các mối tương quan này.
Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, các đại dương đã hấp thụ khoảng 1/3 lượng CO2 thải ra kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, gây ra những thay đổi toàn cầu về hóa học của nước biển.
Theo VAST