Chiều ngày 24/12/2020, Tổ Biên tập Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 (Chiến lược) đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy.
Trước đó, ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định thành lập Tổ Biên tập và Thường trực Tổ Biên tập Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) giai đoạn 2021 – 2030. Tổ Biên tập có 31 đồng chí: Thứ trưởng Bùi Thế Duy là Tổ trưởng, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST Hoàng Minh là Tổ phó; các thành viên khác là đại diện các Bộ; đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Sở KH&CN Hà Nội, Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN và một số chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu sâu trong lĩnh vực KH&CN. Thường trực Tổ Biên tập Chiến lược gồm 15 thành viên, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST Hoàng Minh là Tổ trưởng.
Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST Hoàng Minh cho biết, dự kiến sẽ có 7 nhóm nghiên cứu thuộc Tổ Biên tập Chiến lược gồm nhóm Tổng hợp chung; nhóm Nguồn lực; nhóm Xã hội, Nhân văn, Tự nhiên; nhóm Kỹ thuật công nghệ cao, quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế; nhóm Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thị trường KH&CN, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ; nhóm các ngành kinh tế; nhóm các vùng và địa phương. Các nhóm này có nhiệm vụ chính là cung cấp các thông tin, xây dựng báo cáo nội dung chuyên môn cho Tổ Biên tập; tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin các Bộ, ngành, địa phương; góp ý dự thảo Đề án;…
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, đây là vấn đề khó và quan trọng trong giai đoạn tới. Việc xây dựng Chiến lược phải gắn liền với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong suốt các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ trước đến nay, có lẽ chưa bao giờ cụm từ KHCN&ĐMST trong các Văn kiện Đại hội lại đậm nét như Văn kiện Đại hội lần này.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì Phiên họp.
Thứ trưởng đã đưa ra và phân tích bốn yếu tố Tổ Biên tập cần quan tâm khi xây dựng Chiến lược. Thứ nhất, Tổ Biên tập cần đánh giá được kết quả đạt được cũng như khó khăn trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020và nhận định những thách thức của chiến lược 10 năm tới, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Thứ hai, bối cảnh mới lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST sẽ đòi hỏi các chiến lược, chính sách thay đổi để phù hợp với xu hướng này. Cùng với đó là câu chuyện toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của đầu tư cho ĐMST, cách huy động đầu tư cho ĐMST, tập trung vào phát triển tài sản trí tuệ. Thứ ba, xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số hóa và kết nối đòi hỏi các giải pháp khác rất nhiều so với giai đoạn trước. Thứ tư là sự xuất hiện của các vấn đề về an ninh phi truyền thống.
Thứ trưởng cho biết, trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, về giải pháp, ngành KH&CN đã đưa ra những vấn đề lớn nhằm: phát triển tiềm lực KH&CN; phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu để làm chủ một số công nghệ mới; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số; phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ thống ĐMST vùng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tại Phiên họp, các thành viên Tổ Biên tập đã cùng trao đổi, thảo luận về kế hoạch làm việc của Tổ Biên tập; bố cục, nội dung đề cương Chiến lược; đề cương xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin về nội dung phục vụ xây dựng Chiến lược;… Theo đó, các thành viên Tổ Biên tập cơ bản nhất trí với các bản dự thảo. Một số ý kiến cho rằng, việc đánh giá chi tiết, hiệu quả việc triển khai Chiến lược giai đoạn trước rất cần thiết; vẫn nên đưa vào Chiến lược lần này những vấn đề Chiến lược giai đoạn trước đặt ra nhưng chưa giải quyết được. Đồng thời, để việc thực hiện Chiến lược đạt hiệu quả cao, cần có chính sách, chế tài trong việc triển khai thực hiện Chiến lược;…