Tổng số công bố quốc tế năm 2020 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 1613 công trình, tăng 36,9% so với năm 2019.
GS.VS Châu Văn Minh phát biểu tại hội nghị.
Tại Hội nghị tổng kết được tổ chức vào sáng 25/12, GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, tổng số công bố năm 2020 của Viện là 2544 công trình khoa học, trong đó có 1613 công trình trên tạp chí quốc tế, tăng 36,9% so với năm 2019.
Trong số này, số công bố trên tạp chí quốc tế uy tín SCI/SCI-E là 1281 công trình, tăng 44,3% so với năm 2019. Số công bố có chỉ số IF≥3 chiếm 28,8% và số công bố đăng trên tạp chí đạt chuẩn Q1 của Scimago chiếm 41,7%.
Các đơn vị có nhiều công bố quốc tế nhất là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Toán học, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hóa học, Viện Vật lý,...
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cũng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ trong năm 2020. Viện đã được cấp 41 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Trong đó, Viện Công nghệ sinh học dẫn đầu về số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích với 13 bằng độc quyền, Viện Khoa học vật liệu xếp thứ hai với 9 bằng. Nhiều sáng chế và giải pháp hữu ích đã được thương mại hóa như chế phẩm vi sinh vật chức năng dùng cho cây chè, chế phẩm vi sinh vật chức năng dùng cho cây cà phê,..
"Không chỉ vậy, Viện Hàn lâm cũng được Clarivate [tổ chức uy tín trên thế giới cung cấp các phân tích nguồn thông tin tiêu chuẩn trong nghiên cứu học thuật] đánh giá là một trong 28 tổ chức dẫn đầu về đổi mới sáng tạo năm 2020 trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á”, GS.VS Châu Văn Minh cho biết.
Một số thành tựu đáng chú ý khác của Viện trong năm 2020 đó là đã phát hiện được 133 loài động vật, thực vật và đã xuất bản được 58 sách chuyên khảo, cũng như có thêm hai tạp chí là “Khoa học trái đất” và “Hóa học” được xếp vào danh mục ESCI của Web of Science.
Dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song GS.VS Châu Văn Minh cho rằng, “Viện sẽ cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng công bố. Hiện số lượng công bố có tác giả chính là cán bộ của Viện mới chỉ chiếm khoảng 50%. Bên cạnh đó, số lượng bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống còn khá hạn chế. Viện cũng chưa có nhiều công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội, tương xứng với một cơ sở khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước”.