Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản quốc gia, Việt Nam là nước sản xuất tôm sú hàng đầu thế giới với sản lượng 300.000 tấn mỗi năm. Vì vậy việc hiểu rõ về hệ gene tôm sú sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của việc nuôi và xuất khẩu loài thủy sản này.

TS. Vũ Thị Thanh Nga (ĐH James Cock, Australia) và cộng sự đã tìm hiểu các nguồn gene của loài tôm sú (Penaeus monodon) và đi sâu vào kiểu gene đa hình đơn nucleotide (SNP), yếu tố tác động đến kích thước của tôm, nhằm hướng đến các chương trình nhân giống tôm. Sử dụng các bộ dữ liệu thô và dữ liệu đã được xử lý, họ đã nhận diện được năm bảng mật độ thấp 1) đa dạng toàn cầu, 2) xuất xứ toàn cầu, 3) phả hệ châu Á Thái Bình dương, 4) phả hệ Sri Lanka, và phả hệ Tây Ấn Độ dương. Tổng cộng có 3433 đa hình đơn nucleotide trên toàn hệ gene.
Khi mô phỏng đa dạng di truyền, họ nhận thấy có thể ước tính đa dạng di truyền giữa tất cả các quần thể tôm sú Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính xác như toàn bộ bộ dữ liệu chất lượng cao và có thể dùng bảng xuất xứ toàn cầu để xác định nguồn gốc tôm sú và cụm di truyền của chúng. Trong các phân tích trên máy tính cho thấy các bảng phả hệ châu Á Thái Bình dương, phả hệ Sri Lanka và phả hệ Tây Ấn Độ dương có thể giúp truy ngược các cặp tôm bố mẹ từ các thế hệ con với độ chính xác 100%.

Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp nhiều vào quá trình nuôi trồng thủy sản và các chiến lược quản lý nghề tôm thông qua việc cải thiện tính đa dạng, xuất xứ và xác định phả hệ tôm sú. Công trình “Development of a global SNP resource for diversity, provenance, and parentage analyses on the Indo-Pacific giant black tiger shrimp (Penaeus monodon)” xuất bản trên Aquaculture.