Dự án Chuyển hóa bùn giấy thải thành vật liệu có giá trị cao do nhóm Biomass Lab của nhóm giảng viên, sinh viên ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, vừa giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp công nghệ Asian Entrepreneur Award 2021, sau khi vượt qua 3 vòng (vòng loại lấy 30 đội; vòng bán kết lấy 6 đội; vòng chung kết lấy 3 đội).

Cuộc thi - do Đại học Tokyo (Nhật Bản), Japan Academic Society for Ventures and Entrepreneurs (JASVE) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Đình Quân, người hướng dẫn nhóm nghiên cứu, cho biết, nhóm đã phối hợp cùng Công ty CP Giấy An Bình (Thủ Đức) nghiên cứu công nghệ chuyển hóa cellulose trong bùn giấy thành cellulose vi khuẩn (BC). Đây là dạng cellulose tự do với cấu trúc mạng lưới 3D sợi nano rất dai và bền, là nguyên liệu ngày càng phổ biến cho nhiều ứng dụng cuộc sống như giấy, vải, màng lọc, vật liệu composite, sơn phủ...

Việc chế biến cellulose tinh thể kích thước nano (CNC) từ BC bùn giấy cũng đơn giản và có hiệu suất cao hơn nhiều so với phương pháp phổ biến trên thế giới là dùng cellulose thực vật. CNC nhiều năm nay được xem là vật liệu sinh học cao cấp nhất, nhẹ như gỗ nhưng lại có độ bền cơ học gấp hàng chục lần thép, được quân đội Mỹ nghiên cứu ứng dụng làm áo giáp chống đạn.

Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với nội dung tối ưu hóa các yếu tố kỹ thuật của quá trình chuyển hóa bùn giấy thành BC, thiết kế quy trình sản xuất thực tế và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngành công nghiệp giấy có lượng chất thải và nước thải rất lớn. Lượng bùn giấy thải của một nhà máy giấy có thể lên đến hàng chục tấn/ngày dù đã qua xử lý ép nước. Bùn giấy sau ép nước nhìn tựa như đất đen xám, không có ứng dụng nào đáng kể mà là một phần gánh nặng xử lý của doanh nghiệp.