Trong bối cảnh Việt Nam mới trải qua những thách thức của đại dịch COVID-19, lễ kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 diễn ra trọng thể vào ngày 18/5/2020 mang một dấu ấn đặc biệt: góp phần khẳng định hơn nữa vai trò của khoa học trong việc tham gia giải những bài toán lớn của đất nước.
Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà mỗi nền khoa học đều phải thực hiện với quốc gia mình. Với khoa học Việt Nam, nó lại mang một dấu ấn đặc biệt: tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, tổ chức vào ngày 18/5/1963, Bác Hồ đã bàn về mối quan hệ giữa giữa khoa học và sản xuất: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Kỷ niệm nằm lòng của ngành khoa học với Bác Hồ đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhắc lại tại buổi lễ như một sự khẳng định vào mục tiêu mà khoa học Việt Nam hướng tới: góp phần giải quyết các bài toán của đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại Lễ kỷ niệm.
Sự lan tỏa của tinh thần đó đã được thể hiện ở những thành quả mà khoa học đã đạt được trong quá trình cùng đất nước phòng chống và khống chế dịch COVID-19 như nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2, thử nghiệm robot phục vụ chăm sóc y tế, lập bản đồ vùng dịch, phần mềm khai báo y tế… Lý giải thành công này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng có hai vấn đề chính: việc đầu tư cho nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đã góp phần tăng cường năng lực khoa học cho các nhà khoa học và tổ chức KH&CN; việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu giữa viện, trường và các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên.
Trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.
Tại lễ kỷ niệm, các đơn vị và cá nhân nghiên cứu, làm ra những sản phẩm kịp thời phục vụ công tác phòng chống COVID-19 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tôn vinh. Đó là Học viện Quân y, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, và Nhóm các chuyên gia phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa.
Trao bằng khen nhóm phát triển bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2.
Sự đầu tư đúng hướng không chỉ đem lại những kết quả trong phòng chống COVID-19 mà còn ở những khía cạnh khác của khoa học, trong đó có ba công trình đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 với những kết quả xuất sắc về mặt khoa học và khả năng ứng dụng trong thực tế, góp phần làm giảm chi phí, thời gian điều trị cho người bệnh của PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (ĐH Y Dược TPHCM), PGS. TS Phạm Tiến Sơn (ĐH Đà Lạt) và TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (ĐH Tôn Đức Thắng). Giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cũng nhấn mạnh đến vai trò đầu tư cho khoa học cơ bản của Bộ KH&CN thông qua Quỹ NAFOSTED và cho rằng, bài học từ đó cho thấy “chỉ cần có cơ chế đầu tư khoa học ‘vượt rào’ theo đúng thông lệ quốc tế thì Việt Nam sẽ có những bước tiến ‘thần kỳ’ trong khoa học”.
Nhìn nhận lại chặng đường nhiều thách thức mà khoa học Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đội ngũ các nhà khoa học “đã tìm ra thời cơ và tự tạo cho mình một động lực vươn lên”. Sự hội nhập của các nhà khoa học Việt Nam đã thể hiện ở rất nhiều khía cạnh nhưng một trong những điều thể hiện rõ nét thời gian vừa qua, theo Phó thủ tướng là “chúng ta thực sự triển khai tinh thần khoa học mở trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến chống dịch… Chúng ta đã đồng lòng để sử dụng một phương thức tuy không mới nhưng với chúng ta là mới, đấy là cùng nhau làm việc trên tinh thần khoa học, cống hiến tất cả vì công việc chung”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ kỷ niệm.
Vì vậy, Phó thủ tướng đã trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam, “hãy coi người dân là những người thầy, nguồn động lực để tất cả các ngành, các cấp, trong đó giới khoa học phấn đấu nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới hơn nữa”.