Mặc dù kinh tế vẫn là ngành được tài trợ nhiều nhất nhưng nhóm ngành nhân văn cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể so với trước trong số các đề tài nghiên cứu cơ bản lĩnh vực KHXH&NV mới được Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Nafosted phê duyệt tài trợ (hồ sơ đợt II/2020) ngày 3/8 vừa qua.

Cụ thể, mặc dù kinh tế vẫn chiếm vị trí thứ nhất (17 đề tài được tài trợ), liên ngành giáo dục và tâm lý học vẫn duy trì vị trí thứ hai (với 10 đề tài được tài trợ) trong tổng số 45 đề tài về khoa học xã hội và nhân văn được duyệt đợt này, nhưng khối ngành nhân văn cũng đã tăng rõ rệt. Lần đầu tiên liên ngành văn học, ngôn ngữ học được tài trợ tới 8 đề tài, còn liên ngành sử học, khảo cổ học và dân tộc học cũng được tài trợ 4 đề tài - so với lần tài trợ đợt 1/năm 2020 thì hai nhóm này chỉ có lần lượt là 1 và 2 đề tài được tài trợ. Các đề tài của liên ngành văn học, ngôn ngữ học năm nay chủ yếu tập trung nghiên cứu về những vấn đề của Việt Nam và khu vực như truyện cổ qua tư liệu Hán Nôm, đề tài tính dục trong văn học trung đại Việt Nam, truyện ngắn Nhật Bản, sử thi, tục ngữ Tây Nguyên...

Khoa học xã hội và nhân văn vẫn có một số đặc thù mang tính khu vực và địa phương, ví dụ như ngành ngôn ngữ học, Hán Nôm và văn học thường thảo luận trên các tạp chí của Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, hay Nhật Bản, và các tiêu chí xét chọn đề tài các năm trước của Quỹ chưa bao phủ đến các đặc thù này. Kể từ năm 2019, tiêu chí xét chọn đã mở rộng ra một số tạp chí uy tín ở các quốc gia này và cho phép các nhà khoa học trong nhóm ngành này có cơ hội nộp hồ sơ nhiều hơn.