Nhưng một số quốc gia có thể cho rằng nhẽ ra Mỹ phải cam kết khoản đầu tư này từ lâu, và đây chỉ là trách nhiệm tối thiểu của nước phát thải nhiều nhất trong lịch sử.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới hoan nghênh Đạo luật Giảm lạm phát mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ngày 16/8, theo đó cam kết đầu tư 369 tỷ USD cho khí hậu trong thập kỷ tới. Đây là đạo luật cam kết đầu tư vào khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ước tính Đạo luật sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ xuống khoảng 30-40% vào năm 2030 so với mức năm 2005, đưa quốc gia này tiến gần hơn đến mục tiêu giảm phát thải 50% mà tổng thống Biden đã cam kết vào năm ngoái. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, quốc gia phát thải nhiều nhất trong lịch sử, đang tham gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Sau khi cựu tổng thống Donald Trump xa rời các hành động khí hậu, đạo luật này đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu và giúp thúc đẩy hành động trên toàn cầu, bởi vì thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 vận hành trên cơ sở "hành động có đi có lại", và các chính phủ sẽ tính đến hành động của các chính phủ khác khi thiết lập chương trình nghị sự về khí hậu của mình. Nếu Mỹ không nâng cao mức độ cam kết và hành động bằng đạo luật này, nhiều quốc gia có thể sẽ nới lỏng cam kết của họ bằng cách chỉ ra rằng Mỹ, nước chịu một phần lớn trách nhiệm, đã không hành động.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký Đạo luật Giảm lạm phát thành luật vào ngày 16 tháng 8.

Đạo luật phân bổ khoảng 490 triệu USD cho dự báo khí hậu và thời tiết; 60 tỷ USD cho các khoản đầu tư năng lượng sạch và các dự án để làm sạch ô nhiễm ở các cộng đồng khó khăn. Phần tiền lớn nhất từ ​​Đạo luật là dành cho năng lượng sạch, 128 tỷ USD trong thập kỷ tới, dưới dạng khấu trừ thuế cho các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh. Riêng khoản này tương đương với khoảng 13% thị trường năng lượng tái tạo ngày nay. Đạo luật dự kiến dành hơn 60 tỷ USD khác cho việc sản xuất các công nghệ năng lượng sạch như tấm pin mặt trời và xe điện. Đạo luật cũng tiếp tục dành hàng tỷ USD dưới dạng khấu trừ thuế cho việc khử cacbon, mua xe điện và cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng cấp hộ gia đình.

Cho dù hoan nghênh đạo luật mới, các nhà khoa học cho rằng Mỹ vẫn phải làm nhiều hơn nữa. Vì như tình hình hiện nay, ngay cả khi tất cả các quốc gia đạt được các mục tiêu khí hậu của họ, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng vượt mức 1,5°C. Ngay cả với Đạo luật Giảm lạm phát, các khoản đầu tư xanh của Mỹ kể từ năm 2020 vẫn tụt hậu so với Pháp, Ý và Hàn Quốc khi tính trong tương quan với lượng khí thải trong quá khứ, theo dữ liệu từ Đài quan sát Global Recovery của Đại học Oxford.

Và Mỹ cần chịu trách nhiệm về lượng khí thải trong lịch sử của mình, bằng cách cung cấp tài chính phục vụ các mục tiêu khí hậu cho các quốc gia nghèo hơn, như đã hứa trong thỏa thuận Paris. Cụ thể, các quốc gia giàu có đã cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025 cho những quốc gia nghèo hơn, nhưng cam kết này đã không thành hiện thực.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, lý tưởng nhất là các quốc gia nghèo hơn, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự nóng lên toàn cầu, sẽ được hưởng lợi từ khoản đầu tư khổng lồ này của Mỹ.


Nguồn: