Một mạng lưới thiết bị quan trắc bụi mịn PM2.5 và PM10 đang được Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO) thuộc Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai tại Hà Nội.
Thiết bịFairKit đo chất lượng không khíngoài trời được đặt trong các hộp gỗ với đường thông gió ở hai bên hông và mặt trước nhằm đảm bảo không khí lưu thông để có kết quả đo lường chính xác. Ảnh:Live & Learn
Mạng lưới 50 thiết bị FairKit do FIMO phát triển được lắp đặt tại 25 trường học/cơ quan thuộc 12 quận nội thành Hà Nội từ ngày 15/3 đến ngày 31/5/2019.
Theo FIMO, FAirKit có khả năng đo các thông số chất lượng không khí cơ bản (PM2.5, PM10, CO, NO2, SO2, O3) và nhiệt độ, độ ẩm tương đối. Tuy nhiên, trong khuôn khổ dự án này, thiết bị được cung cấp các cảm biến đo thông số về hai loại bụi mịn PM2.5 và PM10, cùng các thông số về CO, nhiệt độ và độ ẩm tương đối. Thiết bị sử dụng nguồn điện linh hoạt, gồm năng lượng mặt trời hoặc điện lưới. FIMO cho biết FairKit sử dụng các cảm biến chi phí thấp nhưng không tiết lộ giá thành cụ thể.
2 loại thiết bị FAirKit đo chất lượng không khí trong nhà và đo chất lượng không khí xung quanh có sự khác biệt trong thiết kế do tính chất đặc thù của từng môi trường lắp đặt: thiết bị đặt trong nhà có hỗ trợ màn hình hiển thị trực tiếp thông số đo đạc, trong khi thiết bị ngoài trời được thiết kế có hộp bảo vệ tránh mưa nắng và va đập.
Thiết bị FAirKit đo chất lượng không khí trong nhàcó hỗ trợ màn hình hiển thị trực tiếp thông số đo đạc. Ảnh: FIMO Để tăng cường độ chính xác, FairKit được áp dụng thuật toán hiệu chỉnh số liệu, chạy thử nghiệm và căn chỉnh trong phòng thí nghiệm trước khi triển khai lắp đặt thực tế. Cán bộ của trường học và cơ quan tiếp nhận được FIMO đào tạo, tập huấn về kỹ năng vận hành và bảo quản. Thiết bị sẽ được theo dõi hoạt động hàng ngày và được FIMO hiệu chuẩn lại sau 6 tháng vận hành.
Các thiết bị trong mạng lưới FairKit tự động kết nối (không dây) với hệ thống FairNet liên tục 24/7 để lưu trữ, xử lý dữ liệu và hiện thị thông tin qua trang web FairNet và ứng dụng di động FairApp. Được biết, FairNet và FairApp đang trong quá trình phát triển và dự kiến ra mắt vào tháng 4/2019. Sau khi FairNet và FairApp đi vào hoạt động, công chúng có thể cập nhật thông tin về chất lượng không khí và nhận các cảnh báo ô nhiễm không khí theo thời gian thực. Những thông tin này cũng có thể có giá trị tham chiếu, hỗ trợ các nhà quản lý môi trường và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định và giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí hiệu quả hơn.
Lắp đặt thiết bị FAirKit tại trường Mầm non Tổ chim Piccioni, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.Ảnh:Live & Learn Mạng lưới theo dõi chất lượng không khí tại Hà Nội dành cho cộng đồng nằm trong dự án “Không khí sạch - Thành phố xanh” do Live&Learn chủ trì thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 với hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án hướng đến giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội thông qua kết nối các câu lạc bộ thanh niên, trường học, tổ chức xã hội và dân sự, doanh nghiệp và chính quyền để tăng cường các nỗ lực và hành động cải thiện chất lượng không khí.
Theo Báo cáo về Chỉ số năng lực quản lý môi trường (EPI) năm 2018 của Đại học Yale, Việt Nam xếp thứ 159/180 quốc gia về chất lượng không khí và xếp thứ 129/150 về sức khỏe môi trường. Hiện nay, người dân đã có sự quan tâm tới ô nhiễm không khí để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe bản thân và thường theo dõi chỉ số quan trắc không khí tại
Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, ứng dụng AirVisual và ứng dụng PAM Air.