Sáng 13/9, Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc đã tổ chức Hội thảo An toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc nhằm nâng cao năng lực quản lý vệ an toàn vệ sinh lao động cho các cán bộ công nhân viên và người lao động.
Theo ông Nguyễn Trung Quỳnh – Phó trưởng Ban quản lý khu
công nghệ cao Hòa Lạc, trong giai đoạn trước, ban quản lý chủ yếu tập trung công tác giải pháp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau khi hoàn thành, Ban quản lý khu công nghệ cao tập trung vào công tác chuyên môn và thực hiện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
"Khu công nghệ cao Hòa Lạc muốn tạo ra môi trường tốt nhất cho người lao động, hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả. Với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, với trình độ cao hơn ở các khu công nghiệp nên việc chấp hành luật lao động được thực hiện tốt và nghiêm túc hơn. Với buổi đào tạo này, tôi hy vọng rằng các công tác trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để thực hiện hiệu quả các hoạt động của khu CNC Hòa Lạc" - ông Quỳnh nói.
Tại buổi hội thảo, ông Ngô Kế Nghiệp – chuyên gia an toàn vệ sinh lao động –Bộ Lao động thương binh xã hội đã chia sẻ với các học viên về những vấn đề cơ bản pháp luật lao động và luật an toàn, vệ sinh lao động và 16 chế độ có tác động đến quyền lợi của người lao động và quy định về nghĩa vụ trách nhiệm của doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nghiệp cho rằng, các quy định của pháp luật chỉ mang tính nguyên tắc, không quy định chi tiết các vấn đề. Trong khi đó, sự việc xảy ra trên thực tế lại cần có những hiểu biết và quy định chi tiết phù hợp với từng trường hợp.
"Trường hợp thường gặp ở các khu công nghiệp là cán bộ ngồi trên ô tô đi làm việc cho doanh nghiệp bị đột tử chết trên ô tô. Trường hợp này, doanh nghiệp lúng túng không biết có xử lý như tai nạn lao động không? Bởi theo quy định, tai nạn lao động là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, làm cho người lao động chết hoặc bị thương do các yếu tố lao động hoặc liên quan đến lao động gây ra" - ông Nghiệp nêu ví dụ.
Ngoài ra, vấn đề về thời gian nghỉ ngơi và làm thêm cũng được ông Nghiệp nhấn mạnh và yêu cầu người lao động cần có hiểu biết đúng để không bị công ty đánh cắp thời gian và quyền lợi.
Một trường hợp điển hình là công ty gang thép Thái Nguyên quy định công nhân làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, công nhân làm việc trong điều kiện ra gang ra lò với nhiệt độ trung bình từ 500-700 độ C được coi là điều kiện làm việc đặc biệt. Như vậy, theo quy định của nhà nước, công nhân chỉ làm 6 tiếng mỗi ngày. Công ty Gang thép Thái nguyên đã vi phạm quy định của nhà nước và có trách nhiệm hoàn trả lương làm thêm giờ cho công nhân, theo quy định 150% lương vào ngày thường, 200% lương vào ngày chủ nhật.
Với những ví dụ thực tế từ quá trình thanh, kiểm tra, ông Ngô Kế Nghiệp nhấn mạnh: Người lao động cần nằm chắc quy định về 16 chế độ an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để bảo vệ quyền lợi của bản thân.