Tại hội thảo “KHCN và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã nhấn mạnh đến bốn vai trò quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo, trong đó đặc biệt là “động lực chính và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo


Hội thảo do Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban KH&CN thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức vào chiều ngày 29/11/2019.

Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Học viện KH, CN và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN), trong giai đoạn 2011-2020, KHCN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã đóng góp quan trọng trên cả ba trụ cột cơ bản của phát triển bền vững là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn góp phần đào tạo, nâng cao năng lực của nguồn nhân lực đất nước, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, tham gia mọi lĩnh vực phát triển và thực thi nhiều giải pháp sáng tạo, qua đó khẳng định vai trò ngày một quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo.

Do đó, nhấn mạnh đến vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã cho rằng, đây là động lực chính trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững; công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.

Có thể thấy rõ điều đó trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 115 mục tiêu phát triển bền vững, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9/2015. Trong các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030, việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KHCN, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới đã được coi là nhiệm vụ liên quan đến mật thiết đến sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm ở Sao Thái Dương.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặt hái được thành công với “bí quyết” KHCN và đổi mới sáng tạo này, ví dụ như trường hợp của Sao Thái Dương, một công ty dược mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm tại Hà Nội đã thành công khi đi ngược xu hướng phổ biến trên thị trường để phát triển các sản phẩm từ nguồn dược liệu truyền thống. Đến nay Sao Thái Dương không chỉ giữ một vị trí vững chắc trong thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. ThS Nguyễn Thị Hương Liên, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, trong quá trình hoạt động, công ty đã triển khai “bí quyết” này trên nhiều mặt: đầu tư cho công tác R&D để tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm an toàn với người sử dụng; mời chuyên gia trong nước và quốc tế tư vấn để có được lựa chọn công nghệ tốt nhất, hiệu quả nhất; đầu tư trang thiết bị nghiên cứu và sản xuất theo công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường dù tăng suất đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực R&D, sản xuất...

Trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững Bộ KH&CN được giao chủ trì nhiệm vụ tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp; khuyến khích sáng chế phát minh; đến năm 2030 tăng đáng kể tỷ lệ người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai; tăng đầu tư cho nghiên cứu và triển khai. Cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cung - cầu công nghệ.

- Tăng cường đầu tư cho KH, CN; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao.

- Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên.

- Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu KH&CN có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.

- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến; thực hiện chính sách giá năng lượng, tài nguyên, công lao động và các chi phí sản xuất khác thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

- Xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp KH, CN, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển của đất nước.