Nền kinh tế việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cần tập trung vào việc khai thác hiệu quả bốn nguồn vốn, trong đó quan trọng là phải đảm bảo cỗ máy tạo việc làm hoạt động trơn tru để có thể khai thác hiệu quả nguồn vốn lớn nhất là con người.
Đó là phát biểu của ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – trong Hội nghị Toàn quốc về Phát triển Bền vững 2018 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 5/7.
Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng phối hợp tổ chức.
Đại diện WB cho rằng, để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần vận dụng và phát huy hiệu quả bốn nguồn vốn khác nhau bao gồm: thể chế, con người, sản xuất hoặc vật chất và nguồn vốn tự nhiên. Bốn loại nguồn vốn này kết hợp với nhau tạo thành tài sản của quốc gia.
"Ước tính từ 141 quốc gia trên thế giới cho thấy, nguồn vốn con người chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản hay của cải của một quốc gia, đặc biệt khi nước đó ở bậc thang thu nhập cao hơn", Dione nói.
Tuy nhiên, nguồn vốn con người sẽ không tạo ra được sự phát triển bền vững và làm tăng mức độ cạnh tranh của nền kinh tế nếu không có việc làm.
Ông Dione giới thiệu những phát hiện quan trọng từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới mang tên "Tương lai việc làm của Việt Nam". Báo cáo này được thực hiện theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào năm 2016, khi Chính phủ muốn chẩn đoán sâu về tình hình việc làm của quốc gia để có các chính sách điều chỉnh phù hợp trong tương lai.
Báo cáo cho biết, cần phải có ba yếu tố hoạt động thông suốt với nhau để đảm bảo có nhiều việc làm tốt hơn cho Việt Nam đó là (1) nhóm ngành hiện đại, (2) nhóm ngành truyền thống, (3) lực lượng lao động và các thể chế thị trường lao động. "Chúng cần hoạt động như các bánh răng trong một cỗ máy. Các bánh răng này phải luôn duy trì sự hài hòa và phối hợp hoạt động để giữ cho cỗ máy tạo việc làm có thể hoạt động trơn tru", Dione cho biết.
Các xu hướng lớn nếu không được khai thác để tạo ra lợi thế cho Việt Nam thì có khả năng trở thành gậy chọc bánh xe, khiến cho cỗ máy tạo việc làm bị ngưng trệ. "Chính sách hợp lý đóng vai trò là chất bôi trơn để ba yếu tố trên phối hợp với nhau tốt hơn, giúp tạo ra nhiều việc làm hơn", Dione nói.
Bên cạnh đó, đại diện của WB nhận định, nền kinh tế Việt Nam còn chịu tác động bởi các xu hướng lớn trên quy mô toàn cầu và khu vực trong thời gian tới bao gồm bốn yếu tố: (1)
Việc chuyển đổi các mô hình thương mại, (2) Sự gia tăng của nền kinh tế
tri thức, (3) Biến đổi khí hậu và (4) sự già hóa dân số.
"Các
xu hướng lớn này tạo ra cả những rủi ro và cơ hội. Điều quan trọng là
phải biết tận dụng chúng nhằm tạo ra lợi thế cho Việt Nam", ông Dione nói.