3.950 tỷ đồng là kinh phí mà TPHCM dự kiến đưa ra để thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp sinh học y dược giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình), với mục tiêu kiến tạo và phát triển ngành công nghiệp này thành mũi nhọn kinh tế quan trọng của thành phố.

Thông tin này được PGS.TS. Trần Cát Đông – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn, thành viên nhóm soạn thảo Chương trình đưa ra tại buổi họp góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Chương trình nghiên cứu Khoa học và Công nghệ mục tiêu: Phát triển công nghiệp sinh học y dược, do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức ngày 5/7.

Theo Dự thảo, Chương trình sẽ thực hiện 4 nội dung.

Thứ nhất, nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ các sản phẩm quốc gia. Đó là làm chủ, chuyển giao các công nghệ bào chế thành phẩm thuốc sinh học tương tự chất lượng cao (thuốc tiêm nước và bơm tiêm đóng sẵn chứa hoạt chất protein tái tổ hợp; thuốc sinh học qua da; thuốc dạng xịt chứa hoạt chất protein); làm chủ công nghệ sản xuất nguyên liệu thuốc sinh học (công nghệ tái tổ hợp gene, lên men, nuôi cấy tế bào, xử lý sau lên men ở quy mô công nghiệp để sản xuất nguyên liệu thuốc sinh học; công nghệ sản xuất nguyên liệu thuốc sinh học bằng động vật và thực vật chuyển gen); nghiên cứu và làm chủ công nghệ biến đổi hoạt chất protein.

p
PGS.TS. Trần Cát Đông giới thiệu về Dự thảo Chương trình.

Thứ hai, hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia. Trong đó, hình thành được các doanh nghiệp dược hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc sinh học; hoàn thiện công nghệ, tiếp nhận, phát triển công nghệ và đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia. Cụ thể, trong giai đoạn đến năm 2025, sản xuất được trên 20 sản phẩm từ khoảng 10 hoạt chất sinh học tương tự, trong đó nguyên liệu trong nước chiếm 20%, doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng/năm. Giai đoạn đến năm 2030 sản xuất được trên 150 sản phẩm từ khoảng 40 – 50 hoạt chất sinh học tương tự và 5 -10 hoạt chất mới được nghiên cứu, phát triển trong nước, trong đó nguyên liệu sản xuất trong nước chiếm 50%, doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ là hai nội dung cũng là những nội dung cần thực hiện trong Chương trình.

PGS.TS. Trần Cát Đông cho biết, kinh phí để thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 3.950 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách nhà nước, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp,… Để hỗ trợ nghiên cứu, theo TS. Đông, có thể đầu tư, nâng cấp hay thành lập mới 2 – 3 trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học; nâng cấp Trung tâm kiểm nghiệm thuốc TPHCM hoặc thành lập mới trung tâm có năng lực kiểm định vắc-xin và sinh phẩm; thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài về làm việc tại các trung tâm, phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu thuộc Chương trình.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chương trình
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chương trình.

Góp ý cho Dự thảo, theo ông Hà Đức Cường, Công ty Dược phẩm OPC, muốn thực hiện được Chương trình, trước tiên phải xây dựng được các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm đủ mạnh. Ngoài ra, các nhà khoa học và doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác với nhau để xem các doanh nghiệp cần nghiên cứu vấn đề gì, sản xuất sản phẩm nào. Đồng thời, có thể chuyển giao ngay kết quả nghiên cứu sau khi hoàn thành cho doanh nghiệp để thương mại hóa được sản phẩm. “Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học trong nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu hoặc sản phẩm được phép lưu hành để sản xuất, thương mại hóa sản phẩm” – ông Cường nói.

TS. Nguyễn Thị Mai, Đại học Y dược TPHCM, thì cho rằng, nên tận dụng các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trong nước vì đã có khá nhiều và tương đối hiện đại. Chưa cần thiết phải đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất mà bỏ qua việc thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng thuốc sinh học. Đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của thuốc. “Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cần quan tâm đến thuốc từ dược liệu. Hiện nay, nước ta có rất nhiều bài thuốc cổ truyền có giá trị nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở thực phẩm chức năng, nên sẽ rất lãng phí nêu không trở thành thuốc chữa bệnh” – TS. Mai góp ý thêm.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Chương trình cần xác định nguồn nhân lực thực hiện, tạo cơ chế chính sách để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, phân tích xu hướng thị trường thuốc sinh học y dược, quan tâm nghiên cứu nhiều hơn về lĩnh vực y, vi sinh vật kháng thuốc,…

Ông Phạm Văn Xu – Trưởng phòng Quản lý khoa học Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho biết, Sở khuyến khích và có những cơ chế hỗ trợ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh cũng như hợp tác giữa nhà khoa học - doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu và có địa chỉ cụ thể để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.