Nhiều chuyên gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ startup lẫn các nhà khởi nghiệp đã đến thành phố Hồ Chí Minh tham dự hội thảo “Chia sẻ nguồn lực – Kết nối thông tin” diễn ra tại Saigon Innovation Hub (SIHUB).
Chuẩn bị gì cho tư duy khởi nghiệp?
Nhiều bạn trẻ đã chăm chú theo dõi hội thảo ngay từ thời điểm đầu, khi ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc công ty Vinamit, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao – diễn thuyết về “5 tư duy cần có khi khởi nghiệp”. Theo ông Lâm Viên, 5 yếu tố đó bao gồm: tư duy làm việc khó; săn lùng cơ hội; đầu cơ/ đầu tư; sở hữu và vì lợi ích cộng đồng. Ở phần “tư duy đầu cơ/ đầu tư”, ông Lâm Viên nhấn mạnh: “Tư duy này nên được hiểu là tư duy quản trị rủi ro. Bạn phải biết quan tâm tới tài chính để tiết kiệm và biết xây dựng quỹ dự phòng rủi ro. Tích lũy dù chỉ là một chỉ vàng, một mét vuông đất, nhưng đôi khi chính một chỉ vàng, một mét vuông đất đó sẽ cho ta số tiền theo cấp số nhân, sẽ cứu vãn sự nghiệp của mình.”
Ông Lâm Viên cũng chia sẻ thêm: “Các bạn trẻ khởi nghiệp cần lưu ý để dành 10-20% số tiền mình kiếm được để trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Doanh nhân trẻ thường mắc một sai lầm cố hữu, đó là mới thành công bước đầu đã tưởng mình là người chiến thắng. Điều đó có thể dẫn tới những thất bại kinh khủng, vì luôn luôn có rất nhiều những rủi ro, thất bại rình rập quanh ta. Phải học thật kỹ, nghiên cứu thật sâu vòng đời của sản phẩm, của doanh nghiệp, chứ CEO đừng chỉ vừa thành công đã bận bịu việc… phát biểu trên truyền hình, báo chí.”
Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc công ty The Pathfinder, cũng đã khơi gợi nhiều nhận định sâu sắc về câu chuyện sáng tạo trong khởi nghiệp. Ông cho biết: “Nếu có tư duy đúng, tức là bạn đã nắm 80% thành công. Bạn hãy suy nghĩ nhiều hơn về việc mình khởi nghiệp với giá trị như thế nào? Thế nào là nâng cao giá trị tài nguyên bản địa? Thế nào là biến nguyên liệu thô thành sản phẩm mới? Tôi lấy ví dụ, gần đây có một doanh nghiệp startup nông nghiệp đã cho ra đời sản phẩm sữa củ ấu và củ ấu tách vỏ hút chân không từ nguyên liệu là củ ấu tươi. Đổi mới sáng tạo cần bắt nguồn từ những câu chuyện nhỏ như vậy.”
Vị chuyên gia tư vấn nhiều năm gắn bó với cộng đồng khởi nghiệp cũng nhận định rằng “đa số doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay còn quá gắn với tư duy ‘săn bắt hái lượm’, tức cái gì dễ làm trước, mà không thấy được xu thế của thế giới hiện nay là kinh doanh trong hệ sinh thái, đi thành nhóm chứ không đi riêng lẻ một mình.”
Hoàn thiện Hệ sinh thái Khởi nghiệp Việt
Phần thảo luận tiếp tục được hâm nóng khi ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc SIHUB – đưa lên cho cử tọa xem hình một chiếc kính râm được ông chụp ở một sân bay tại Paris, Pháp. Ông cho biết: “Đây là một sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa rất đặc sắc của người Việt, được bán với giá 400 euro/ chiếc mắt kính. Với gọng kính bằng tre, được chế tác tinh tế với hai khớp nối giữa gọng kính và tròng kính được làm bằng những mắt tre già, sản phẩm làm hài lòng khách hàng quốc tế, phù hợp xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy nếu muốn khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần am hiểu thị trường, đồng thời có chiều sâu về văn hóa và được đào tạo bài bản về cách tạo ra sản phẩm cũng như quy trình khởi nghiệp.”
Cùng quan điểm với ông Kim Tước, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng các doanh nhân trẻ nên tận dụng ưu thế tài nguyên bản địa dồi dào của Việt Nam để khởi nghiệp nông nghiệp. “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất phù sa màu mỡ, được bồi đắp mỗi năm từ thiên nhiên, rất phù hợp để chúng ta làm nông nghiệp sinh học công nghệ cao”, ông Lâm Viên cho biết thêm.
Tiếp đà câu chuyện, ông Nguyễn Hải An, giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao, cho rằng ý tưởng kinh doanh trong khởi nghiệp là rất quan trọng, song khả năng thực thi cũng quan trọng không kém. Ông nói: “Thành công hay không thành công là do con người hết. Nếu không thực thi được thì ý tưởng có hay thế nào cũng thất bại.”
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, giám đốc các trung tâm, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cũng cùng nhận định về sự cần thiết của việc kết nối, tạo liên minh để cùng phát triển, để bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam thêm rõ ràng và vững mạnh. Chị Nguyễn Thị Xuân Yến, Giám đốc chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp của Trung tâm BSA nhắn gửi: “Các bạn khởi nghiệp có thể đến với BSA để cùng tham gia chương trình ‘Tăng tốc khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa và sức mạnh công nghệ’ của chúng tôi. Với các chuyên gia đến từ BSA, từ các doanh nghiệp dẫn đầu trong số 600 doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng cao như Thiên Long, Vinamit, Minh Long,… chắc chắn các bạn sẽ được hỗ trợ rất hiệu quả.” Ông Huỳnh Kim Tước cũng chia sẻ: “SIHUB đang chuẩn bị một nền tảng online hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở các tỉnh thành, sẽ hoàn thiện trong vài tháng tới. Cộng đồng khởi nghiệp ở các vùng xa sẽ được các sở khoa học công nghệ hỗ trợ nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới từ nền tảng online này.”
Cũng trong chương trình, lãnh đạo Trung tâm BSA, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao đã cùng ký kết hợp tác về “Kết nối cơ hội phát triển về thị trường cho hoạt động khởi nghiệp tại địa phương có nhu cầu.”