Theo nhiều chuyên gia, việc kết thúc IPP2 là một dấu mốc quan trọng, xứng đáng là một sự kiện KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) hàng đầu của năm 2018. Bắt đầu từ hơn bốn năm trước, đến nay, có thể nói IPP2 đã thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam từ chỗ còn “quá đỗi sơ khai” và góp phần mang đến một tư duy mới về ĐMST.

Chọn xây dựng hệ sinh thái chứ không hỗ trợ đơn lẻ

Trong bối cảnh thách thức do chưa có một hệ sinh thái khởi nghiệp đầy đủ để nuôi dưỡng và hỗ trợ thiết thực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP2) đứng trước lựa chọn: một lối đi an toàn, dễ đạt được thành công ở mức giới hạn hay thử nghiệm những mô hình đổi mới chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam và phải chấp nhận nhiều thách thức, rủi ro để đạt được những kết quả mang tầm ảnh hưởng lớn hơn?

Lối đi an toàn ở đây là thuần túy hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp bằng cách tài trợ theo những quy trình công phu có sẵn trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Quỹ Tekes, Phần Lan. Nhưng “chúng tôi đã chọn con đường khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, để luôn thử nghiệm các mô hình mới và các công cụ can thiệp chính sách mới mà chúng tôi cho rằng sẽ hữu ích đối với hệ sinh thái khởi nghiệp non trẻ của Việt Nam”, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc chương trình IPP2 chia sẻ tại buổi lễ kết thúc Chương trình IPP2 ngày 15/1. Thậm chí, ngay cả trong việc tổ chức chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo để đào tạo các kỹ năng mềm cho các nhóm khởi nghiệp, IPP2 cũng không chọn cách “dễ làm” là đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tham dự các khóa bootcamp ở nước ngoài - chỉ cần đóng một khoản tiền phí là có thể thực hiện được. Mà đi đến thử nghiệm chương trình tăng tốc khởi nghiệp ở Việt Nam, dành riêng cho các nhóm khởi nghiệp Việt Nam, do các chuyên gia đến từ Phần Lan, Thung lũng Silicon Hoa Kỳ và các chuyên gia người Việt Nam thực hiện.

Sai Gon Innovation Hub là một trong những không gian đổi mới sáng tạo được hỗ trợ của IPP2. Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc của Sai Gon Innovation Hub cho chúng tôi biết, không gian này luôn chật kín các sự kiện như tọa đàm, hội thảo hỗ trợ khởi nghiệp, với mỗi năm khoảng 800-900 cuộc. Ảnh: Sihub.

Con đường rủi ro mà Chương trình đã lựa chọn là nhằm “gieo những hạt mầm” để hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng điều ấy không đơn giản, bởi đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với những người thực hiện chương trình và ngay cả đối với các chuyên gia từ phía Phần Lan: Nguồn nhân sự Việt Nam chưa từng quen với hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo còn các chuyên gia nước ngoài thì không đủ hiểu về môi trường chính sách Việt Nam. Trong khi việc hiểu đổi mới sáng tạo nói chung và khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam còn chưa đúng. Thậm chí, việc thay đổi tư duy về vai trò của đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, mua bán và chuyển giao công nghệ vẫn còn là một thách thức, chưa nói tới “đổi mới sáng tạo không phải chỉ đơn giản là sự đầu tư tiền bạc vào đổi mới/ mua công nghệ mà còn tác động sâu hơn nữa trong con người, trong sự hiểu biết và hợp tác với nhau”, như ông Lauri Laakso, cố vấn trưởng của IPP2 chia sẻ. Điều đó đòi hỏi ban quản lý chương trình phải “từng bước, từng bước một, chúng tôi vừa làm, vừa quan sát, đánh giá và điều chỉnh, sao cho lựa chọn được các sáng kiến và hành động mang lại hiệu quả tối ưu và thực sự cần thiết”, theo bà Trần Thị Thu Hương.

Do đó, khi nhìn nhận về thành công của IPP2, thì điều lớn nhất có thể kể đến là quá trình dò dẫm thử nghiệm và chấp nhận rủi ro để đưa ra các giải pháp thực sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam chứ không thể “nhập khẩu”, học tập một cách máy móc bài học kinh nghiệm của nước ngoài, theo ông Lauri Laakso.

Quyền tự chủ sáng tạo

Chương trình đã áp dụng nguyên tắc không ngừng cải tiến (continuous improvement), cho phép linh hoạt điều chỉnh và chuyển hướng kịp thời, nhưng việc này luôn đòi hỏi cần một không gian riêng để thể nghiệm. Chính vì vậy, việc có được cam kết chính trị và sự tin tưởng, trao quyền tự chủ từ hai Bộ chủ trì, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan (Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội) cho Ban Quản lý Dự án và kiểm soát thực hiện bằng hiệu quả đầu ra của Chương trình thông qua đánh giá độc lập đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa tới thành công của IPP2, theo bà Trần Thị Thu Hương.

Năm 2015, IPP2 bắt đầu đợt kêu gọi đợt tài trợ đầu tiên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhóm liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, IPP2 đã hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình ban hành các chính sách lớn về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Chương trình 844 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được đánh giá là một trong những chính sách quan trọng với khởi nghiệp Việt Nam, từng là một trong những sự kiện KHCN nổi bật nhất khi nó ra đời – năm 2016 nhưng khó ai hình dung “nó được xây dựng trên nền tảng ý tưởng ban đầu được Nhóm soạn thảo của Cục Thị trường và doanh nghiệp KH&CN đề xuất với IPP2, tóm lược không quá một trang giấy A4 với các sơ đồ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vô cùng sơ khai”. Sau đó, bằng việc đưa chuyên gia quốc tế từ Hoa Kỳ và Phần Lan vào Việt Nam trực tiếp làm việc và tư vấn cho các nhóm soạn thảo, IPP2 đã hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình ban hành các chính sách lớn như Chương trình 844 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Luật Chuyển giao công nghệ, và một số văn bản quan trọng khác.

Chương trình IPP2 không chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm mô hình hỗ trợ tài chính và hỗ trợ mềm cho các nhóm khởi nghiệp mà dần mở rộng ra các hoạt động khác, từ hỗ trợ thiết kế chính sách, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách, hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, cho tới các sáng kiến hợp tác với các trường đại học Việt Nam để đào tạo giảng viên nguồn và đưa chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy trong các trường đại học, và sau này, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Phần Lan tiếp cận thị trường Việt Nam, đào tạo chuyên gia tư vấn doanh nghiệp quốc tế là người Việt Nam, thúc đẩy kết nối hợp tác thành phố với thành phố, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác mới trong tương lai giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan sau khi Chương trình IPP2 kết thúc sứ mệnh của mình ở Việt Nam.

Nhờ những hoạt động đó, IPP2 “đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển một xu hướng mới và tiến bộ ở Việt Nam. Đó là Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nơi gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp sáng tạo để phát triển thành đội ngũ doanh nghiệp mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các kết quả đạt được và tác động mang tính bền vững mà Chương trình IPP2 mang lại cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là rất đáng ghi nhận và trân trọng”, như lời Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận xét.

Quá trình IPP2 xây dựng những viên gạch móng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam là một bài học cho trao quyền và tin tưởng, cho nỗ lực thoát khỏi giới hạn an toàn, những phạm vi chính sách cũ để cho những thể nghiệm chính sách mới đúng đắn và phù hợp với xu thế quốc tế, đem lại lợi ích cho cộng đồng khởi nghiệp và cho xã hội. Vì vậy, ngay cả khi Chương trình này đã đóng, thì nó vẫn mở ra một giá trị lan tỏa, bài học kinh nghiệm cho việc thực thi các chương trình, chính sách về đổi mới sáng tạo khác.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trao tặng kỷ niệm chương và bằng khen cho các cá nhân đã hỗ trợ, đóng góp và xây dựng Chương trình IPP2.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao kỷ niệm chương cho ông Marko Saarinen (giữa), Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo IPP2 và ông Lauri Laakso (phải), cố vấn trưởng Chương trình IPP2. Ảnh: Bảo Như
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao kỷ niệm chương cho ông Marko Saarinen (giữa), Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo IPP2 và ông Lauri Laakso (phải), cố vấn trưởng Chương trình IPP2. Ảnh: Bảo Như

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan Kari Kahiluoto trao tặng bằng chứng nhận khen thưởng cho các cá nhân có đóng góp cho Chương trình IPP2. Ảnh: Bảo Như

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan Kari Kahiluoto trao tặng bằng chứng nhận khen thưởng cho các cá nhân có đóng góp cho Chương trình IPP2. Ảnh: Bảo Như

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, thực hiện trong 4.5 năm (3/2014-10/2018) với tổng ngân sách của Chương trình là 11 triệu Euro, trong đó Chính phủ Phần Lan tài trợ 9.9 triệu Euro, phần đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1.1 triệu Euro. Chương trình có ba cấu phần chính: (i) Phát triển môi trường thể chế và xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo; (ii) thiết lập quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo và (iii) hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Nhìn tổng thể, các hoạt động của Chương trình IPP2 đã tác động tích cực tới hầu hết các yếu tố cấu thành của Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, bao gồm từ i) Chính sách của Chính phủ và khung pháp lý (Government Policy; Regulatory Framework); ii) Định chế tài chính cho khởi nghiệp (Funding and Finance); iii) Văn hóa khởi nghiệp thông qua đào tạo, lan tỏa tri thức (Culture); iv) Đội ngũ chuyên gia huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp (Mentors, Advisors & Support Systems); v) Vai trò của các trường đại học như nhân tố xúc tác khởi nghiệp (Universities as Catalysts); vi) Giáo dục và đào tạo khởi nghiệp (Education & Training); và vii) Gián tiếp tác động tới chất lượng nguồn nhân lực (Human Capital & Workforce) thông qua các nỗ lực hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như thúc đẩy chương trình đào tạo và giảng dạy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các trường đại học của Việt Nam.