Lập chuỗi liên kết giữa các công ty, hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp, các trường đại học để tạo ra những sản phẩm cốt lõi, sáng tạo phù hợp với từng đối tượng khách hàng để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Industry 4.0).
Đó là những kinh nghiệm được ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Bắc Đẩu chia sẻ tại Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam (VIO 2017) được Hội Tin học TPHCM (HCA) tổ chức ngày 20/9 tại TPHCM.
Tạo sản phẩm cốt lõi từ liên kết, hợp tác
Theo ông Thắng, Industry 4.0 đang diễn ra với một tốc độ đi nhanh gấp 2 đến 3, thậm chí nhiều lần so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước. Tuy nhiên, không thể dễ dàng để đạt được và có thể mất 10, 20 năm để thực hiện. Doanh nghiệp cần chú ý đến các thách thức, rủi ro của Industry 4.0 mang lại thì mới có thể tự tin bước vào kỷ nguyên mới. Những thách thức bao gồm cả về công nghệ, kinh tế, xã hội... Trong đó, thách thức về khoa học công nghệ như: phải phát triển các thiết bị thông minh, xây dựng môi trường mạng, phân tích và xử lý số liệu, sản xuất số, an ninh mạng,..
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin để mang đến những sáng tạo tốt nhất cho khách hàng. Để tạo ra những sản phẩm cốt lõi trong từng lĩnh vực doanh nghiệp cần sự liên kết, hợp tác với các công ty khác và các trường đại học, cộng đồng khởi nghiệp.
Ông Thắng mong muốn, các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho những công ty khởi nghiệp cùng làm việc với các công ty như Sao Bắc Đẩu để tạo ra được một hệ sinh thái khởi nghiệp, cùng nhau sáng tạo, phát triển, cho ra những sản phẩm tốt nhất của người Việt phục vụ cộng đồng.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch HCA - cho rằng, nguy cơ đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam trong Industry 4.0 chính là quá trình tự động hóa sẽ triệt tiêu nhiều vị trí công việc truyền thống. Cách thức tổ chức, quản lý dùng công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt, tạo nên khoảng cách trong tăng trưởng giữa các doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, Chính phủ Việt Nam và các ban ngành đã có nhiều chính sách, biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam. Nhưng doanh nghiệp CNTT và doanh nghiệp ứng dụng đa ngành nghề Việt Nam vẫn thiếu nhiều điểm giao thoa trong việc hiểu và ứng dụng CNTT.
"Nhiều doanh nghiệp đã nhận biết được tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn loay hoay chưa tìm được mô hình thích hợp với năng lực của mình hoặc chưa cân đối nguồn lực trong đầu tư cho công nghệ" - ông Tuấn nhận định.
Theo bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Bộ Thông tin và Truyền thông - trước Industry 4.0, ngành CNTT Việt Nam cần có sự chuyển dịch phù hợp để tận dụng được lợi thế của Việt Nam, đồng thời nắm bắt được thời cơ của Industry 4.0 để phát triển. Các hiệp hội, đơn vị nghiên cứu cần nghiên cứu, phân tích để làm rõ được bản chất cốt lõi của xu thế Industry 4.0, đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông phản ánh đúng đặc trưng, cơ hội, thách thức để có cách tiếp cận và giải pháp phù hợp, hiệu quả. Qua đó, doanh nghiệp có thể nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra chiến lược đúng đắn để phát triển phù hợp với nguồn lực của mình. Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết đa ngành, đa lĩnh vực với nòng cốt là CNTT, hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề của xã hội…
Ứng dụng công nghệ là một quá trình
Ông Hà Như Hải - Phó Giám đốc CMC Telecom - cho rằng, Industry 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng dụng và thiết lập hệ thống CNTT toàn diện để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Đôi khi phải đập bỏ hoàn toàn cái cũ, xây dựng hệ thống, cơ sở hạ tầng CNTT hoàn toàn mới.
Ông Hải cũng cho rằng, việc ứng dụng Industry 4.0 không phải ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thời gian tìm hiểu, đầu tư lâu dài. Đồng thời, từng bước tự động hóa từng bước các khâu, tích hợp theo chiều rộng và ngang giữa các khâu sản xuất, quá trình thanh toán, dịch vụ,…
Nếu chỉ ồ ạt chạy theo xu hướng và không tự xây dựng được các quy trình vận hành, không có tính hệ thống đảm bảo yếu tố nhanh và hiệu quả thì cũng không tạo ra được lợi thế cạnh tranh và có khả năng sẽ bị loại bỏ - ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM - doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn hiện nay cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng để tiếp cận và thích ứng với Industry 4.0. Doanh nghiệp tại Việt Nam cần tìm hiểu các yếu tố về trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai - ông Tuấn chia sẻ.
Đối với các địa phương, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch HCA - đưa ra lời khuyên, trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của lãnh đạo về những tác động của Industry 4.0. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, thế mạnh của địa phương và đưa ra lộ trình ứng dụng dụng để phát triển. Lộ trình này càng được lượng hóa với những chỉ tiêu, mô hình, việc làm càng cụ thể càng tốt.
Theo ông Tuấn, những việc làm chi tiết, có kết quả cụ thể mới thuyết phục được người dân và doanh nghiệp ứng dụng. Sau khi có kế hoạch tốt, việc theo dõi thường xuyên, thực hiện tốt cũng rất quan trọng để thành công trong Industry 4.0 - ông Tuấn nhấn mạnh.