Sáng nay, 19/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo cao nhất của Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và hàng nghìn người đã đến viếng GS Hoàng Tụy, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1.
Bút tích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong sổ tang. Ảnh: TT
Chia buồn với gia đình GS Hoàng Tụy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: "Thương tiếc Giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng của đất nước, người con của quê hương Quảng Nam không còn nữa! Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Tụy đã để lại nhiều tác phẩm toán học nổi tiếng, được thế giới công nhận. Ở đời sống thường Giáo sư là người tận tụy với quê hương với anh em bạn bè đồng chí... Giáo sư mất đi để bao nỗi thương tiếc của giới khoa học, Đảng và nhà nước mất đi một tài năng của đất nước..."
Văn phòng Chủ tịch nước cũng gửi vòng hoa đến viếng GS Hoàng Tụy.
Trong dòng người đến tiễn biệt GS Hoàng Tụy có nhiều nhà khoa học, trí thức hàng đầu Việt Nam cùng chuyên môn hoặc cùng mối quan tâm cải cách giáo dục với GS Hoàng Tụy như nhà văn Nguyên Ngọc, GS Hà Huy Khoái, GS Ngô Việt Trung, GS Phạm Duy Hiển, GS Pierre Darriulat, GS Ngô Bảo Châu,…
“Giáo sư Hoàng Tụy mất đi là một tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi đối
với Toán học Việt Nam. Đất nước mất đi một trí thức lớn, một công dân
gương mẫu, một con người cương trực, một tấm lòng sắt son, đến tận hơi
thở cuối cùng vẫn một lòng mong muốn đất nước mình sẽ được chấn hưng,”
GS.TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam,
thay mặt Viện phát biểu trong lời điếu.
Lễ truy điệu và đưa tang GS Hoàng Tụy được cử hành lúc 9h ngày 19/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: Zing.vn
Trong lời tiễn biệt GS Hoàng Tụy, các mốc sự kiện trong toàn bộ cuộc đời ông cũng được ôn lại.
Lời điếu cho biết, GS Hoàng Tụy sinh ngày 7/12/1927 tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Cha của ông từng làm quan dưới thời Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Cha làm quan thanh liêm, nên gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông rất vất vả, tuy nhiên các anh em đều giữ nếp nhà trong việc học hành.
Từ năm 1940-1945 ông học ở Huế, tại các trường Khải Định, Thuận Hóa, Việt Anh. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học.
Tháng 7/1945, ông về quê tại xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Bình dân học vụ. Từ tháng 3/1946 đến tháng 10/1946 ông trở lại Huế học tập.
Tháng 5/1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và bốn tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Tháng 9/1946 ông ra Hà Nội học tại Trường Cao đẳng Khoa học. Nhưng việc học bị gián đoạn khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra.
Tháng 12/1946, ông về quê và tham gia công tác đội tuyên truyền địa phương. Tháng 2/1947 ông thoát ly và công tác tại Phân ban Quốc dân thiểu số Miền Nam Trung bộ. Từ tháng 5/1947 đến tháng 8/1951 ông dạy học tại trường trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi.
Ngày 19/5/1950 ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam tại chi bộ trường Lê Khiết, trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Cũng năm 1950, ông thi đỗ trình độ Toán học Đại cương.
Tháng 8/1951, ông được Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử ra Việt Bắc học Trường Khoa học thực hành Cao cấp. Ông đi bộ từ tháng 8 đến tháng 10/1951 mới đến Việt Bắc.
Tại Việt Bắc ông tham gia Hội nghị cải cách giáo dục, tổ chức tại Tuyên Quang. Do Trường Khoa học thực hành Cao cấp không được thành lập mà chỉ có hai trường Khoa học Cơ bản và Sư phạm Cao cấp với trình độ không hơn Toán học Đại cương, và được sự gợi ý của thứ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Khánh Toàn, ông sang Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc) giảng dạy tại trường Sư phạm Trung cấp Trung ương đồng thời học tập thêm với GS Lê Văn Thiêm lúc này mới ở Pháp về.
Ông giảng dạy tại Khu học xá Trung ương từ tháng 11/1951 đến tháng 9/1955. Ông đã nhanh chóng nổi tiếng là một trong những thầy giáo dạy toán giỏi nhất ở vùng tự do. Trong thời gian này, ông đã viết nhiều bài quan trọng góp phần xây dựng nền giáo dục non trẻ của nước Việt Nam mới.
Từ tháng 10/1955 đến tháng 3/1956, ông là trưởng ban Trù bị cải cách giáo dục phổ thông. Sau đó ông phụ trách Ban tu thư Bộ Giáo dục.
Từ tháng 9/1956 đến tháng 9/1957, ông giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội, biên chế tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tháng 9/1957 ông được cử đi Matxcơva thực tập nâng cao trình độ trong thời hạn một năm. Chỉ trong vòng hơn một năm, ông đã thu được những kết quả có giá trị, công bố trong 5 công trình nghiên cứu trên “Báo cáo Viện Hàn Lâm khoa học” và các tạp chí toán học lớn khác của Liên Xô. Ông được phép ở lại thêm một thời gian để làm thủ tục bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, và ông đã bảo vệ thành công vào tháng 4/1959.
Trở về nước, từ tháng 8/1959 ông đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Toán, Khoa Toán-Lý, rồi Phó Chủ nhiệm Khoa Toán-Lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 10/1962 ông được bổ nhiệm Chủ nhiệm khoa Toán-Lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1966-1968, ông là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Toán, khi khoa này được tách ra từ Khoa Toán-Lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông cũng là Ủy viên Ban Toán-Lý-Hóa, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Trong thời gian này, ông tích cực tham gia các hoạt động tổ chức khác như tham gia thành lập Báo Toán học và Tuổi trẻ năm 1964; tham gia thành lập Lớp toán đặc biệt tại Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp, tiền đề cho hệ thống trường THPT chuyên sau này; và tham gia vận động thành lập Hội Toán học Việt Nam. Khi Hội được thành lập năm 1966 ông là Tổng thư ký đầu tiên.
Năm 1968, cùng các GS Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, ông tham gia xây dựng phương hướng phát triển toán học trong vòng 20 năm kể từ 1968. Ý tưởng then chốt được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặc biệt tâm đắc là: Cố gắng sau hai mươi năm ngoi lên vị trí quốc tế trong một vài hướng và dựa vào đó lôi kéo dần toàn bộ ngành toán học tiến lên.
Bản đề cương này có vai trò quan trọng trong việc định hình toán học Việt Nam những năm sau đó. Đây là thời kỳ mà những nghiên cứu Toán học của ông nở rộ. Năm 1962 ông đi trao đổi khoa học ở Liên Xô một tháng. Năm 1963 ông đi thăm Trung Quốc một tháng theo lời mời của Hội toán học và Bộ Giáo dục Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông đã gặp gỡ trao đổi với Chủ tịch Hội Toán học Trung Quốc Hoa La Canh về nghiên cứu ứng dụng toán học. Năm 1966 ông là phó trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Đại hội Toán học Thế giới tại Liên Xô.
Mặc dù vừa có những công trình nghiên cứu xuất sắc về Toán lý thuyết, lĩnh vực Giải tích hàm, trước những đòi hỏi của nền khoa học đất nước, ông quyết định đổi sang nghiên cứu Toán ứng dụng, lĩnh vực Vận trù học – Tối ưu. Và trong lĩnh vực mới mẻ này, ông đã có những cống hiến xuất sắc.
Bài báo công bố đầu năm 1964 trên tạp chí “Báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô” đề ra ý tưởng hoàn toàn mới trong việc giải quyết một lớp các bài toán tối ưu lõm với ràng buộc tuyến tính. Trong bài báo này ông đề ra phương pháp giải quyết vấn đề mà sau này mang tên “Lát cắt Tụy”. Công trình của ông khởi đầu hướng nghiên cứu Tối ưu toàn cục.
Cũng trong những năm công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông ủng hộ quan điểm của GS Lê Văn Thiêm, coi “công tác chuyên môn là nhiệm vụ chính trị của Trường”. Quan điểm của ông bị một số người phản đối. Ông cùng nhiều nhà khoa học uy tín tại Trường thời đó bị quy kết theo tư tưởng “thiên tài chủ nghĩa”. Nhưng lịch sử đã khẳng định lẽ phải thuộc về ông. Mặc dù bị phê phán nặng nề ở cấp cơ sở, ông vẫn nhận được sự tin cậy từ những vị lãnh đạo cao cấp nhất. Theo lời kể của ông lúc sinh thời, chỉ một tháng trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gọi ông đến để căn dặn “cố gắng áp dụng Vận trù học”.
Từ tháng 5/1968, ông được chuyển về Ủy ban Khoa học Kỹ thuật, phụ trách Thư ký vụ Ban Toán.
Năm 1970, khi Viện Toán học đi vào hoạt động, ông được cử về công tác tại Viện. Sự ra đời và đi vào hoạt động của Viện Toán học được coi là bước ngoặt có tính chất lịch sử đối với sự phát triển của nền Toán học Việt Nam non trẻ.
Cùng với GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy đã vượt qua nhiều khó khăn của thời kỳ chiến tranh và thời kỳ hậu chiến để xây dựng Viện Toán học thành một viện nghiên cứu. Các GS Lê Văn Thiêm và Hoàng Tụy cùng các cán bộ khác của Viện Toán học đã thống nhất đường lối phát triển của Viện Toán học, đó là chống chủ nghĩa “tỉnh lẻ”, nghĩa là nghiên cứu những vấn đề bên lề cốt sao có kết quả, mà cần tập trung vào những vấn đề nằm trong các hướng nghiên cứu chính của toán học đương đại. Với quan điểm phát triển như vậy, các nhóm nghiên cứu mạnh dần dần được thành lập ở Viện Toán học.
Trong thời gian này, GS Hoàng Tụy ngày càng quan tâm hơn đến việc ứng dụng Toán học vào các vấn đề của Kinh tế, của Hệ thống quản lý. Tháng 10/1976 ông được Ủy ban Kế hoạch nhà nước mời làm cố vấn cho Viện Toán-Kinh tế vừa thành lập.
Tháng 12/1976, ông dẫn đầu đoàn bao gồm 12 cán bộ Viện Toán học vào tổ chức đợt sinh hoạt khoa học tính toán với các đồng nghiệp tại Viện Đại học miền Nam và Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, nhằm trao đổi phương hướng phát triển toán học tại miền Nam. Đây là tiền đề cho việc thành lập Phòng Toán học ứng dụng. Năm 1978 ông tham gia đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội Toán học Quốc tế tại Helsinki, Phần Lan.
Năm 1980 ông được bổ nhiệm chức vụ Viện Trưởng Viện Toán học và đảm nhiệm vị trí này tới năm 1990. Tháng 10/1982, theo đề nghị của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ông kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Phân tích hệ thống của Viện. Từ năm 1984 đến 1990, ông kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Acta MathematicVietnamica và Tạp chí Toán học.
Mặc dù bận nhiều công tác quản lý, tổ chức, trong thời gian 1970-1990, GS Hoàng Tụy tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào toán học. Năm 1972, trên một tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, ông công bố định lý về “tính không tương thích” được sử dụng bởi nhiều nhà khoa học sau này. Cũng trong năm 1972, ông công bố một công trình khác về “tính minnimax của hàm số” trên tạp chí Toán của Hungary, công trình này được nhiều người quan tâm và đánh giá cao. Cuối những năm 1970, ông công bố hàng loạt công trình về thuật toán tính điểm bất động dựa trên kết quả của Brouwer. Sang thập kỷ 1980, ông chuyên sâu nghiên cứu quy hoạch lõm và các vấn đề của tối ưu toàn cục. Với những nghiên cứu thời sự của mình, ông thường xuyên được mời tham dự báo cáo, giảng bài, trao đổi khoa học tại các hội nghị quốc tế, các trường đại học nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.
Giai đoạn 1970-1990 là giai đoạn thành lập và phát triển của Viện Toán học để trở thành “viện nghiên cứu với những chuẩn mực quốc tế”. Trong thời gian này, đất nước Việt Nam sau khi trải qua cuộc chiến tranh hai mươi/lại tiếp tục chịu đựng tình trạng chiến tranh ở hai đầu đất nước. Về khoa học, Việt Nam bị cô lập với Phương Tây do chính sách cấm vận của Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, ngoài việc tranh thủ sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp từ các nước xã hội chủ nghĩa, GS Hoàng Tụy đã chủ động liên hệ với nhiều nhà khoa học Phương Tây để xây dựng hợp tác khoa học. Ông đã thực hiện rất nhiều chuyến công tác tới Liên Xô, Đông Âu, Tây Âu và Hoa Kỳ để một mặt xây dựng sự hợp tác, mặt khác tìm hiểu thêm về sự phát triển toán học ở các nươc phát triển, đặc biệt là về việc ứng dụng toán học vào các vấn đề kinh tế và hệ thống quản lý. Các nghiên cứu, tìm tòi của ông cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Ông thường được mời lên nói chuyện về toán kinh tế, về lý thuyết hệ thống với các vị lãnh đạo cấp cao.
Là thủ trưởng của cơ quan, ông cũng hết sức quan tâm, lo lắng cho cuộc sống của cán bộ Viện Toán học trong thời kỳ bao cấp khó khăn. Bằng kinh nghiệm của mình, ông đã chỉ bảo cho các đồng nghiệp trẻ hơn các khả năng ra nước ngoài nghiên cứu. Ông dùng cả các mối quan hệ và uy tín của mình để tạo điều kiện, tìm cách vượt qua các thủ tục hành chính đương thời, cho các cán bộ Viện Toán học có điều kiện đi trao đổi khoa học ở nước ngoài để có thể tiếp tục nghiên cứu.
Sau năm 1990, ông vẫn tích cực nghiên cứu và giảng dạy toán học. Trong hai năm1992-93, trường đại học Linköping (Thụy Điển) mời ông sang đào tạo nghiên cứu sinh và xây dựng nhóm nghiên cứu về tối ưu toàn cục cho khoa Toán của Trường. Năm 1992, cùng với đồng nghiệp Reiner Horst, ông xuất bản cuốn chuyên khảo “Tối ưu toàn cục” tại NXB Springer. Đây là cuốn sách đầu tiên và có hệ thống về Tối ưu toàn cục. Sau này ông còn xuất bản thêm 2 cuốn sách nữa, đều tại các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới.
Công trình khoa học cuối cùng của ông được xuất bản năm 2018, khi ông đã bước sang tuổi 91. Tính từ công trình đầu tiên được xuất bản năm 1959 là đúng 60 năm.
Ông đã nhận được nhiều vinh danh của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Năm 1996, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật đợt I. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông, năm 1997, trường Linköping đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục", để tôn vinh ông, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát". Năm 2007, một hội nghị quốc tế về "Quy hoạch không lồi" được tổ chức ở Rouen, Pháp, để ghi nhận những đóng góp tiên phong của GS Hoàng Tụy cho lĩnh vực này nói riêng và cho ngành Tối ưu toàn cục nói chung nhân dịp ông tròn 80 tuổi. Cũng trong dịp này ông được Viện khoa học ứng dụng Rouen tặng bằng tiến sĩ danh dự. Tháng 9/2011, GS Hoàng Tụy là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này.
Sang thế kỷ XXI, ông có nhiều trăn trở về nền giáo dục và các vấn đề khác của đất nước và đã có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận xét về ông trước các thành viên của Viện nghiên cứu Phát triển, nơi ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học, rằng "Anh Hoàng Tụy là người không kiêng nể cái gì, không kiêng nể bất cứ ai, nhưng ai cũng kiêng nể." Cho dù chưa đánh giá hết được ý nghĩa những góp ý của ông, chúng ta có thể chắc chắn ông luôn có một tấm lòng son đối với đất nước.
“Giáo sư đã ra đi nhưng những cống hiến của giáo sư đối với sự nghiệp Khoa Giáo Hưng Quốc mãi ghi! Tấm gương trí tuệ, khí chất mãi sáng!" Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
"Hội
Toán học Việt Nam vô cùng thương tiếc “người anh cả” của nền Toán học
Việt Nam, đã ra đi để lại một sự mất mát lớn lao, không thể bù đắp
được." GS Ngô Việt Trung - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam
"Chúng
cháu vô cùng biết ơn những nỗ lực không mệt mỏi của bác cho nền Toán
học Việt Nam, khoa học Việt Nam ngày một phát triển rực rỡ, cho đất nước
Việt Nam ngày một công bằng, dân chủ hơn. Chúng cháu nguyện noi theo
tấm gương sáng của bác." GS Ngô Bảo Châu – Viện nghiên cứu cao cấp về Toán
"Vĩnh
biệt Giáo sư Hoàng Tụy với lòng biết ơn vô hạn đối với những đóng góp
to lớn của Cụ cho sự hình thành và phát triển của tạp chí Toán học Việt
Nam – Journal of Mathematics!" GS Hoàng Xuân Phú - Tổng biên tập Tạp chí Toán học Việt
Nam |