Để thực hiện cam kết loại bỏ dần nhiệt điện than vào năm 2040, Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực, TS. Đỗ Nam Thắng và cộng sự ở Trường Chính sách công Crawford, ĐH Quốc gia Úc đã cho biết như vậy trong công bố “Phasing out coal power in a developing country context: Insights from Vietnam”.
Trong giai đoạn 2011–2021, Việt Nam là quốc gia có mức tiêu thụ than tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng 11% mỗi năm. Than là nguồn đóng góp quan trọng nhất trong ngành năng lượng Việt Nam kể từ năm 2018, đạt tới mức 115 terawatt mỗi giờ (TWh) vào năm 2020. Phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than tương đương 203 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2019, chiếm 72% tổng lượng phát thải CO2 của ngành năng lượng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, quá trình chuyển đổi cũng sẽ phải đối diện với nhiều rào cản lớn như khung pháp lý chưa hoàn thiện đối với các lựa chọn năng lượng sạch mới và lo ngại về tình trạng thiếu điện, đặc biệt khi các quy trình vận tải và công nghiệp có khả năng tăng tốc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không. Các rào cản khác cũng có thể gồm khả năng thiếu động lực cho quá trình chuyển đổi, năng lực tài chính và kỹ thuật hạn chế, và những lo ngại về sự ảnh hưởng đến đời sống xã hội do tăng giá điện và/hoặc gián đoạn cung cấp điện.
Mặt khác quá chuyển đổi năng lượng sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và liên quan đến nhiều sự bất định, tăng chi phí đầu tư, đòi hỏi sự thiết kế chính sách một cách cẩn trọng để các doanh nghiệp có thể thích ứng, kết hợp với việc nâng cao nhận thức về lợi ích xã hội của việc loại bỏ điện than. Việc thu hút hỗ trợ tài chính và công nghệ quốc tế sẽ kích hoạt quá trình này. Do đó, các nhà khoa học đề xuất: 1) cải cách các quy định để tạo thuận lợi cho đầu tư vào năng lượng sạch, truyền tải điện và lưu trữ năng lượng; 2) tiếp tục chính sách ưu tiên; và 3) sự hỗ trợ rộng rãi của cộng đồng và doanh nghiệp.
Thanh Hương