Theo tin từ hãng thông tấn AFP, vào ngày 5/3/2024, Hà Nội chìm trong một lớp sương mù ô nhiễm dày đặc, che khuất các tòa nhà cao tầng và khiến gần 9 triệu người sinh sống tại đây hít thở bầu không khí độc hại. Đây là lý do Hà Nội đứng đầu bảng theo dõi không khí những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của trang web IQ-Air của Thụy Sĩ.
AFP cho rằng, nồng độ của các chất gây ô nhiễm trong hạt bụi PM2.5 – chứa những hạt vi nhựa có khả năng gây ung thư, nhỏ tới mức có thể xâm nhập vào máu qua phổi – bị xếp ở mức “rất gây hại cho sức khỏe” và cao gấp 24 lần nồng độ theo hướng dẫn thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (5 µg/m3).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng chú ý 1) có nhiều nguồn đóng góp vào ô nhiễm như các phát thải giao thông, xây dựng, công nghiệp, vận chuyển bụi xuyên biên giới…; 2) điều kiện khí hậu đặc trưng như độ ẩm cao, ít gió, hiện tượng nghịch nhiệt… Theo một báo cáo vào năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, 8 triệu phương tiện được đăng ký tại Hà Nội góp phần 30%, khí thải công nghiệp 30%.
Tuy nhiên, để có xác quyết về việc nguồn nào có tác động lớn nhất vào tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm, Hà Nội cần tiến hành một cuộc kiểm kê thực sự. Khi đã có kết quả chính xác, Hà Nội có thể lên các kế hoạch phù hợp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia, việc phơi nhiễm lâu dài các chất độc hại có trong không khí ô nhiễm có thể dẫn đến nhiều bệnh phổi, tim mạch, đột quỵ. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về ô nhiễm không khí ước tính, 40% cư dân Hà Nội phải tiếp xúc với nồng độ cao hơn gần năm lần so với hướng dẫn của WHO.
Bài đăng số 1282 (số 10/2024) KH&PT
Phương Anh