"Việc xả thải ra biển là rất nguy hiểm và không kiểm soát được nếu có sai lầm. Tham nhũng môi trường hôm nay 1 đồng thì vài chục năm sau chúng ta phải trả hàng tỉ đồng" - GS. TS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường - nói.
Sáng 10/5, buổi toạ đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế
trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên” tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT,
TS Nguyễn Xuân Sinh - Phó cục trưởng Cục Hoá chất - Bộ Công thương cùng nhiều
chuyên gia nghiên cứu về môi trường khác. Tại đây, nhiều góc nhìn xung quanh việc xả thải công nghiệp và những hệ lụy với môi trường đã được đưa ra phân tích, "mổ xẻ".
Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh nhiều ngày qua hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung và câu chuyện xả thải
của Dự án Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), trong đó có Formosa, thu hút sự chú ý của dư luận.
Ông Đặng Hùng Võ
cho rằng, ông ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi cho
rằng, pháp luật Việt Nam hiện không cho phép đặt đường ống xả thải ngầm ra biển.
GS TS Đặng Hùng Võ cho rằng phải mất 50 năm nữa môi trường biển mới có thể phục hồi. Ảnh: Ngọc Vũ.
Được biết theo kế hoạch ban đầu, nước xả thái từ Formosa sẽ
được xả ra sông Quyền để kiểm soát và xử lý trước khi xả thải ra biển. Tuy
nhiên, do việc giám sát kiểm soát còn
thiếu sót cho nên kế hoạch này không được thực hiện.
Ông Võ nhấn mạnh: “Việc đặt đường ống xả thải ra sông Quyền
và ra biển là hai tư duy hoàn toàn khác nhau. Xả thải ra biển nguy hiểm hơn xả
thải ra sông Quyền rất nhiều lần. Xả thải trực tiếp ra biển là nguy hiểm hơn,
không dừng được nếu có sai lầm”.
"Không được tham nhũng ở môi trường. Bởi
vì hậu quả của nó cực kỳ lớn, và con cháu chúng ta sẽ là những người trực tiếp
trả giá” - ông Võ nói thêm.
Lý giải về việc xả thải ở Formosa, TS Trần Hiếu Nhuệ - Phó Viện trưởng
Viện kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho rằng: “Bởi vì chúng ta tham về
kinh tế, nóng vội về lợi nhuận kinh tế. Chúng ta đã hy sinh bao nhiều tiền giải
phóng mặt bằng đổi lại tình trạng như bây giờ”.
TS Trần Hiếu Nhuệ cho rằng cần nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường của người dân (những người chịu tác động ô nhiễm) và chủ các dự án đầu tư. Ảnh: Ngọc Vũ.
Đưa ra giải pháp để ứng xử với các dự án công nghiệp đã và sẽ đầu tư ở Việt
Nam, ông Nhuệ cho rằng, việc cần làm là nâng cao ý thức của người dân (những
người chịu tác động từ môi trường) và chủ đầu tư dự án.
Bởi lẽ, nếu chính những người này không tuân thủ thì cơ quản quản lý
không bao giờ có đủ thời gian, năng lực, thiết bị, nhân lực để giám sát cả ngày
lẫn đêm.
Liên quan đến việc truy nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt thời gian qua, giới chuyên môn vẫn hướng đến trách nhiệm của các nguồn xả thải và khuyến cáo các nhà khoa học tập trung theo hướng này để giải quyết vấn đề.