Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế (International Center for Theorical Physics - ICTP) vừa công bố Giải thưởng và Huy chương Dirac năm nay thuộc về ba nhà vật lý nổi tiếng, bao gồm GS Đàm Thanh Sơn thuộc Đại học Chicago, GS Subir Sachdev thuộc Đại học Harvard và GS Xiao-Gang Wen thuộc Viện Công nghệ Massachusetts.

Cả ba nhà khoa học đoạt giải đều nghiên cứu cách thức cơ học lượng tử ảnh hưởng đến những nhóm hạt lớn, gọi là hệ nhiều hạt (many-body systems).

Ba nhà khoa học giành Huy chương Dirac 2018. Ảnh: ICTP.
Ba nhà khoa học giành Huy chương Dirac 2018 đều đang sống và làm việc tại Mỹ. Ảnh: ICTP.

GS Đàm Thanh Sơn sinh ra tại Hà Nội, là người đầu tiên phát hiện ra rằng, kỹ thuật tính toán gauge-gravity duality (GGD) có thể được sử dụng để giải quyết những câu hỏi cơ bản trong các vấn đề tương tác mạnh mẽ của nhiều nguyên tử, từ các nguyên tử lạnh bị mắc kẹt cho đến dạng plasma quark-gluon (QGP).

Trong số hai nhà khoa học còn lại, Subir Sachdev – sinh ra tại New Delhi (Ấn Độ) – có nhiều đóng góp trong lĩnh vực vật lý vật chất ngưng tụ; còn Xiao-Gang Wen - sinh ra ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - là người đưa ra các khái niệm về trật tự topo để mô tả một lớp các trạng thái mới của vật chất.

Hiện nay, giới khoa học đã biết đến sự ảnh hưởng của các định luật cơ học lượng tử đến hành vi của những nhóm hạt rất nhỏ. Tuy nhiên, đa số vật thể chúng ta thấy hàng ngày được cấu tạo từ một số lượng lớn các hạt, lên tới gần 10^23 hạt. Tất cả các hạt đều tương tác với nhau theo nhiều cách, do đó hiện tượng vướng víu lượng tử hay rối lượng tử (quantum entanglement) giữa chúng là yếu tố quan trọng cần phải xem xét.

Những người được trao Huy chương Dirac trong năm nay đã có những đóng góp tiên phong giúp phát hiện các pha mới của vật chất (ngoài các pha quen thuộc là rắn, lỏng hoặc khí), cũng như giai đoạn chuyển tiếp từ pha này sang pha khác do nhiệt độ và áp suất thay đổi. Quá trình biến đổi pha sẽ làm cho tính chất của vật liệu thay đổi đáng kể. Ba nhà khoa học đã giúp làm sáng tỏ làm thế nào hiện tượng vướng víu electron có thể gây ra những thay đổi tính chất này.

Hiểu được yếu tố động lực học của hệ nhiều hạt sẽ cho phép các nhà khoa học thiết kế thêm nhiều loại vật liệu mới với nhiều ứng dụng khác nhau, từ chế tạo máy tính lượng tử cho đến thiết bị siêu dẫn.

Cả ba nhà khoa học đã áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành, sử dụng kiến thức trong nhiều lĩnh vực bao gồm khoa học vật liệu, hố đen và nguyên tử lạnh để hiểu thêm về hệ nhiều hạt.

"Ba nhà khoa học đoạt giải Dirac năm nay đều là những người dẫn đầu trong việc sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành để giải quyết các vấn đề vật lý lý thuyết cụ thể. Mặc dù họ đang sống ở Mỹ, nhưng tôi rất vui khi được biết họ đều đến từ các quốc gia đang phát triển", Fernando Quevedo, giám đốc ICTP, cho biết.

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào cuối năm nay, trong đó ba nhà khoa học nhận giải sẽ có bài thuyết trình về nghiên cứu của họ.

Giải thưởng và Huy chương Dirac được đặt theo tên của nhà khoa học người Anh P.A.M. Dirac – một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Kể từ năm 1985, giải thưởng này được trao hàng năm vào ngày sinh nhật của Dirac (ngày 8 tháng 8) dành cho các nhà khoa học đã có những đóng góp đáng kể cho vật lý lý thuyết.

ICTP có trụ sở đặt tại thành phố Trieste, Italy, hoạt động dưới sự hỗ trợ của UNESCO, IAEA và Chính phủ Italy.

Nguồn: