Sáng 25/3, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018”, đã có buổi làm việc với Bộ KH&CN về tình hình hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF).


Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, những năm qua, cơ chế tài chính cho KH&CN đã có những bước đổi mới, trong đó có việc chuyển từ cơ chế cấp phát tài chính theo kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sang cơ chế quỹ với việc hình thành, ra đời Quỹ NAFOSTED và Quỹ NATIF. Điều đặc biệt, cơ chế thực hiện đối với cả 2 Quỹ nói trên đều rất đổi mới, linh hoạt, kịp thời và tiếp cận cách quản lý KH&CN trên thế giới.

Đặc trưng lớn nhất của quỹ là tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động là đề cao tính tự quản, dân chủ và công khai. Ví dụ, với cơ chế tài chính hiện tại của Quỹ NATIF được NSNN cấp vốn để thực hiện tài trợ và chi hoạt động của Quỹ đã góp phần giúp Quỹ chủ động triển khai các hoạt động.

Trong khi đó, Quỹ NATIF có thể tiếp nhận đề xuất và xét chọn các nhiệm vụ KH&CN quanh năm, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo tiến độ thực hiện được phê duyệt trong thuyết minh và ký kết trong hợp đồng thực hiện nhiệm vụ mà không phải phụ thuộc vào năm kế hoạch, hay nói cách khác, phương thức cấp phát kinh phí được đổi mới hơn so với cách thức truyền thống. Hơn nữa, với một số vốn được cấp từ ngân sách, Quỹ NATIF có thể huy động được lượng vốn lớn hơn 2 đến 3 lần từ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất.


Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, phần lớn các thành viên Đoàn giám sát đều đồng tình với cách tiếp cận, đổi mới của hai Quỹ và cho rằng việc duy trì hai Quỹ này thực sự cần thiết.

Theo ông Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, “hiện nay các Quỹ đang tạo ra khí thế rất sôi động, nhất là đối với thế hệ trẻ bởi Quỹ tiếp cận và áp dụng mô hình mới. Mô hình tồn tại như hiện nay là phù hợp, chúng ta vẫn nên duy trì mô hình này”.

Còn ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát, thì cho rằng, hai Quỹ này đang hoạt động dựa trên cơ sở pháp luật rất nghiêm chỉnh, đúng quy trình, tuy nhiên có lẽ ngoài việc tập trung vào phần tài trợ cũng cần coi trọng hoạt động tín dụng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, đối với nghiên cứu cơ bản, trước đây 10 năm, không có Quỹ NAFOSTED thì thiết kế, phân bổ vốn thông qua các nhiệm vụ, định vị sản phẩm chưa rõ. Khi có Quỹ NAFOSTED, chất lượng đánh giá các nghiên cứu tăng lên nhiều, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và theo chuẩn quốc tế. Quỹ đã mở ra cơ hội cho các nhà khoa học trẻ, hiện 55 - 65% các đề tài NCCB trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật có chủ nhiệm đề tài là nhà khoa học trẻ không quá 40 tuổi; các cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài ngày càng tăng.

Đối với Quỹ NATIF, đối tượng chính sách và pháp luật về KH&CN hướng đến nay đã có sự xoay trục, chuyển dịch từ viện nghiên cứu, trường đại học sang việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các dự án đã triển khai đều có hiệu quả rất rõ như Công ty Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre đã ứng dụng thành công công nghệ chế biến mới, tiên tiến, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xuất khẩu tới 16 nước. Hay như dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất nhựa Alkyd thay thế sơn nhập ngoại rất hiệu quả của Công ty Sơn Hải Phòng; dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử (công nghệ gen) để chọn tạo và sản xuất tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh và kháng bệnh” do Công ty Thủy sản Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa chủ trì đã tổ chức sản xuất tôm bố mẹ, cung cấp được 20% lượng tôm bố mẹ, tiết kiệm gần 900 tỷ đồng mỗi năm... Theo Bộ trưởng, đó là những minh chứng rõ nét cho sự chuyển dịch chính sách lấy doanh nghiệp làm trung tâm, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ nhưng với điều kiện đổi mới sáng tạo phải là nhu cầu tự thân và thiết yếu của doanh nghiệp. “Có thể thấy, không có một quốc gia nào phát triển mà thiếu các quỹ” Bộ trưởng nói.

Nói về căn cứ pháp lý của các Quỹ, ông Nguyễn Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, cả hai Quỹ đều có cơ sở pháp lý rất vững. Khi xây dựng điều lệ thành lập hai Quỹ, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính đã đưa ra các văn bản cụ thể, quy định tài chính của hai Quỹ này tương đối đầy đủ, do vậy vẫn kiểm soát được nguồn thu, chi của Quỹ. “Vấn đề đặt ra là, việc sửa đổi điều lệ của 2 Quỹ như thế nào cho phù hợp, để theo kịp xu thế hiện nay”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, cho rằng, thời gian tới, hoạt động của hai Quỹ cần tiếp tục hướng đến tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, có giải pháp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đổi mới và ứng dụng công nghệ giao thoa với nhau.