Trong giai đoạn 2011 - 2020, giá trị giao dịch công nghệ bình quân tăng 22%/năm. Đóng góp vào kết quả này có hoạt động của hơn 800 tổ chức trung gian.
Ngày 15/4 tại TPHCM, Bộ KH&CN đã phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011 – 2020”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì Hội thảo.
Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), trong giai đoạn 2011 - 2020, giá trị giao dịch công nghệ bình quân tăng 22%/năm. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao như: điện, điện tử máy tính - 46%; chế biến gỗ, giấy - 29%; chế biến thực phẩm - 28%.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, cho rằng, có được những kết quả nêu trên phải kể đến nỗ lực của các nhà hoạch định và nhà thực thi chính sách. Điển hình như trong công tác hoàn thiện môi trường pháp lý, đã thể chế hóa được định hướng của Quốc hội và Chính phủ, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với hàng loạt các giải pháp quan trọng khác.
Trong công tác phát triển tổ chức trung gian, hiện cả nước có hơn 800 sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Trong đó, số sàn giao dịch công nghệ tăng mạnh - trước năm 2015 chỉ có 8 sàn thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn ở địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, và 1 sàn giao dịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.
Một số mô hình tổ chức trung gian cũng đã ra đời tại các trường đại học, viện nghiên cứu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TPHCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế TPHCM,… với nhiều hoạt động chuyển giao. Thí dụ, Đại học Bách khoa TPHCM có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2009-2019. Hay Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh số trung bình khoảng 25 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2010-2020.
Còn nhiều điểm nghẽn
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, trên thực tế thị KH&CN trong nước chưa phát triển đúng với tiềm năng của nguồn cung, nguồn cầu.
Theo Thứ trưởng, một trong những nguyên nhân là do nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vị trí, vai trò của thị trường KH&CN trong hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia còn chưa đầy đủ, toàn diện. Bên cạnh đó, chưa thực sự có những cơ chế, chính sách kích thích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Các tổ chức KH&CN còn đặt nặng vấn đề xuất bản quốc tế mà chưa chú ý đến sáng chế, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Số lượng tổ chức trung gian nhiều nhưng còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng dẫn dắt; chưa thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản trị, vận hành các sàn giao dịch công nghệ...
Thứ trưởng cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng thông tin về thị trường KH&CN còn hạn chế, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học với nhau và với các tổ chức, cá nhân khác; và chưa thiết lập được các hình thức liên kết với thị trường quốc tế.
Bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, cho biết, 95% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực sự có nhu cầu về đổi mới công nghệ nhưng hầu hết còn lúng túng khi lựa chọn các công nghệ sao cho phù hợp và ít biết đến các thông tin chính thống, tin cậy. Đây cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh được ông Nguyễn Huy Trọng, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh chia sẻ và cho rằng cần có những tổ chức trung gian đủ mạnh để kết nối nguồn cung và cầu. Đồng thời, Bộ KH&CN cần quan tâm hơn nữa đến thị trường KH&CN ở địa phương, đặc biệt là những địa phương còn khó khăn và đang có nhu cầu lớn về đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phát triển KH,CN và Đổi mới sáng tạo Hải Phòng thì cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển thị KH&CN. Họ là những người am hiểu công nghệ chuyên ngành, có kiến thức về luật, kinh tế, đàm phán,… Tuy nhiên, các chuyên ngành đào tạo cho đối tượng này hiện nay chưa có. Vì vậy, theo ông Vinh, các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các trường ở khối kinh tế, cần sớm mở các chuyên ngành đào tạo nhân lực làm việc ở các tổ chức trung gian.