Thị trường KH&CN Hà Nội được đánh giá có chuyển biến nhưng vẫn phát triển chậm: các giao dịch mua bán, trao đổi, chuyển nhượng chủ yếu liên quan đến máy móc, thiết bị; số sáng chế và giải pháp hữu ích rất nhỏ.
Phát biểu tại hội thảo khoa học "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô" sáng 9/11 do UBND thành phố Hà Nội chủ trì, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Ngọc Anh cho biết, Hà Nội hiện đứng thứ 2 cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN với 46 trên tổng số 350.
TS Lê Ngọc Anh - Giám đốc sở KH&CN Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Các doanh nghiệp KH&CN chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; y tế, công nghệ tự động hóa; công nghệ vật liệu mới; công nghệ bảo vệ môi trường và một số công nghệ khác. Theo PGS-TS Nguyễn Thành Công - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đây đều là những lĩnh vực quan trọng, chủ lực, trọng điểm có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.
Mặc dù thị trường KH&CN Hà Nội bước đầu có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn phát triển chậm, chưa được như mong đợi. Số giao dịch (mua bán, trao đổi, chuyển nhượng) các sản phẩm KH&CN chưa nhiều, chủ yếu vẫn là giao dịch về máy móc, thiết bị. Sản phẩm KH&CN thuộc đối tượng sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung vào nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Số sáng chế và giải pháp hữu ích rất nhỏ.
Nguyên nhân được Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà chỉ ra rằng, tuy một số điều kiện tiền đề cho thị trường KH&CN vận hành đã được hình thành song những yếu tố để tạo nên một thị trường KH&CN sôi động chưa hội tụ đầy đủ.
Theo đánh giá của Sở KH&CN Hà Nội, "các cơ quan nghiên cứu chưa có 'lực đẩy' để gắn kết hơn các công trình nghiên cứu với hoạt động của doanh nghiệp và quảng bá kết quả nghiên cứu đến doanh nghiệp. Hiện nay vẫn chưa có chính sách thúc đẩy các cơ quan nghiên cứu phát triển ứng dụng kết quả nghiên cứu, công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu và biến kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm có giá trị thương mại. Các kết quả sáng tạo công nghệ của các cơ quan nghiên cứu và của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chú ý để chính thức công bố và đăng ký để trở thành hàng hóa có thể mua bán được".
Do đó, để phát triển thị trường KH&CN gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô, TS Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội, đề xuất áp dụng 6 giải pháp chính:
Thứ nhất, kích cung, kích cầu sản phẩm KH&CN. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tham gia tích cực vào thị trường KH&CN thông qua hoạt động mua bán, đặt hàng, trao đổi công nghệ, ký kết các hợp đồng đào tạo nâng cao trình chcộ chuyên môn nghiệp vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, phát triển mạnh các định chế trung gian.
Thứ ba, hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện chính sách đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN
Thứ năm, nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin KH&CN, kết nối cung cầu. Tăng cường tổ chức các hội nghị 3 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp, các chợ công nghệ và thiết bị, các hội thảo khoa học, các buổi trình diễn, giới thiệu công nghệ mới, công bố kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể tham gia thị trường KH&CN có điều kiện giới thiệu tiềm năng, nhu cầu, trao đổi đàm phán mua bán công nghệ, thiết bị.
Thứ sáu, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhất là cho các doanh nhân và giới trẻ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào chiều sâu.