Đây là phương pháp đốt vi sóng trong điều trị ung thư gan được Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) triển khai thực hiện từ đầu năm 2019. Thay vì phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ khối u, đốt vi sóng giúp bệnh nhân ít đau đớn và không phải nằm viện kéo dài.

BS Võ Hội Trung Trực – Khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện đầu tiên áp dụng phương pháp đốt vi sóng trong điều trị ung thư gan từ năm 2012. Khi đó, bệnh viện sử dụng những dòng máy như Avecure, Medwaves (Mỹ) với kích thước kim to 16 – 14G (Gauge) không có chức năng đốt cầm máu khi rút kim. Đầu năm 2019, Bệnh viện đã đưa vào sử dụng các loại máy Tato, Biomedical (Áo), kích thước kim to 17G, có chức năng đốt cầm máu khi rút kim.

d
Máy có chức năng cầm máu khi rút tiêm trong điều trị ung thư gan bằng đốt vi sóng

Theo BS Trực, phương pháp đốt vi sóng được sử dụng để gây hoại tử khối u tại chỗ bằng nhiệt. Công nghệ này không cắt bỏ khối u như phẫu thuật mà dùng năng lượng sóng cao tần RFA hoặc vi sóng MWA truyền qua kim điện cực để phá hủy hoại tử khối u. Do không phải mổ hở nên bệnh nhân ít đau đớn, không gây chảy máu, thời gian nằm viện ngắn, giúp giảm chi phí chữa trị.

“Phương pháp đốt này có nhiều ưu điểm hơn so với đốt cao tần như: đốt chủ động, thời gian đốt nhanh hơn, nhiệt độ vùng đốt cao, ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tản nhiệt, không hóa than quanh kim, không cần điện cực trung tính” – BS. Trực nói và cho biết thêm, phương pháp này còn ít gây nhiễu màn hình siêu âm, có thể tiên đoán kích thước vùng đốt và vận hành cùng lúc nhiều ăng-ten đốt. Kết quả khảo sát sau khi đốt, cho thấy không có trường hợp bỏng da nào khi thực hiện đốt, tỉ lệ phá hủy hoàn toàn là 92,2%; tỷ lệ tái phát tại chỗ khoảng 25%.

Tỷ lệ phá hủy hoàn toàn
Tỷ lệ phá hủy hoàn toàn của phương pháp đốt vi sóng là 92,2%

Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh ác tính phổ biến, xếp thứ sáu trong các loại ung thư trên thế giới. Các phương pháp điều trị ung thư gan thường là ghép gan, cắt khối u gan, phá hủy tại chỗ, xạ trị, can thiệp qua động mạch, liệu pháp miễn dịch,… Trong đó, ghép gan và phẫu thuật cắt khối u gan là phương pháp điều trị triệt để tốt nhất. Tuy vậy chỉ 10-20% bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật do phát hiện muộn, thường có xơ gan.

Phương pháp đốt vi sóng chỉ được chỉ định ở một số bệnh nhân được chẩn đoán u gan theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Có 1 - 3 khối u, mỗi khối u có đường kính không quá 5cm; Khối u có thể quan sát toàn bộ và tiếp cận dưới hướng dẫn siêu âm; Bệnh nhân từ chối phẫu thuật;…