Nền sản xuất trong bối cảnh CMCN 4.0 gắn với các nhà máy được số hóa toàn diện, mà trụ cột là Công nghệ Robot và Cơ điện tử. Tuy nhiên hai khái niệm này còn xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đó là những vấn đề được đặt ra và thảo luận trong hội thảo “Công nghệ Robotics – Mechatronics trong Cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức vào ngày 21/8 tại Hà Nội.


Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thu Hiền

Mở đầu hội thảo, để thảo luận về thực trạng và những thách thức khi Việt Nam tiếp cận và tận dụng công nghệ Robot và Cơ điện tử ứng dụng trong quá trình sản xuất, Bộ Công thương công bố kết quả điều tra nghiên cứu về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam với CMCN 4.0 do Bộ này phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) thực hiện. Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu ứng dụng tiến bộ của CMCN 4.0 vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là công nghệ robot và cơ điện tử. Hai công nghệ này được xem là trụ cột để phát triển các nhà máy thông minh và số hóa toàn diện hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tiềm lực ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất.

Theo TS. Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa có thể giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Tuy nhiên, TS Hồng cảnh báo, để áp dụng các công nghệ này cần đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ và nâng cao, đồng bộ trình độ kỹ thuật từ sản xuất đến kho bãi. Vì thế, với tỷ lệ 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn ứng dụng công nghệ robot và cơ điện tử, do thiếu tiềm lực cả về nguồn vốn, nhân lực, trình độ KH&CN, năng lực đổi mới sáng tạo. Ví dụ, hiện nay, các doanh nghiệp Việt chỉ mới biết đến các khái niệm này, còn các hiểu biết chuyên sâu hơn như thế nào là robot mềm – robot cứng, vẫn còn khá xa lạ.

Để khắc phục những hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đưa ra ba giải pháp: (1) Phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước thực hiện dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; (2) Phối hợp với các trường đại học trong nước tham gia đào tạo, biên soạn giáo trình, tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề; (3) Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức KH&CN tham gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất sáng tạo phát triển sản phẩm mới.


Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hiền

Thứ trưởng Hưng cũng khẳng định, việc phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, qua đó hình thành mạng lưới liên kết trong lĩnh vực công nghệ robotic và cơ điện tử.