Để nhận được chứng chỉ hay giấy chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, các doanh nghiệp cần lựa chọn những tổ chức cấp chứng nhận đã được công nhận. Đặc biệt, là các tổ chức là thành viên ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức công nhận khu vực và quốc tế.
Đó là chia sẻ của ông Vũ Xuân Thủy – Giám đốc Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội thảo “Chứng nhận ISO 2018” do BoA và Cơ quan Công nhận Hàn Quốc (KAB) tổ chức ngày 17/8 tại TPHCM.
Theo ông Vũ Xuân Thủy, hoạt động chứng nhận là một trong những cấu thành quan trọng của hệ thống đánh giá sự phù hợp. Theo số liệu của tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, tính đến năm 2016, chỉ riêng chứng nhận tiêu chuẩn ISO cho các hệ thống quản lý đã có khoảng 3.500 tổ chức được công nhận, trong đó khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm hơn 50%.
Việc xây dựng và áp dụng ISO đối với doanh nghiệp là cần thiết, nó mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: giúp lãnh đạo quản lý hoạt động của doanh nghiệp khoa học và hiệu quả; hệ thống quản lý gọn nhẹ, dễ vận hành; tăng lợi nhuận nhờ tiết kiệm các chi phí, sử dụng nguồn lực hợp lý; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, luôn cải tiến để cung cấp sản phẩm thỏa mãn yêu cầu của khách hàng,… Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tổ chức chứng nhận khác nhau nên doanh nghiệp cần chọn những tổ chức đã được công nhận, đặc biệt là các tổ chức là thành viên ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau của tổ chức công nhận khu vực và quốc tế, bởi họ đã được bên thứ ba xác nhận chính thức về năng lực thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp. Thông qua các tổ chức này, chứng nhận mà doanh nghiệp nhận được có thể sử dụng trên toàn thế giới. “Việc thừa nhận lẫn nhau sẽ loại bỏ được những việc chứng nhận nhiều lần không cần thiết. Từ đó, giảm chi phí và thời gian hàng hóa tiếp cận thị trường” – ông Thủy nhấn mạnh.
Để xây dựng được một hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn thích hợp, theo ông Kyeong Ho Nam – Giám đốc Trung tâm chứng nhận hệ thống Hàn, trước tiên, doanh nghiệp cần thiết lập mục tiêu phát triển dựa trên các tiêu chuẩn của ISO.
“Yêu cầu đặt ra cho mục tiêu là phải phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp cũng như bối cảnh xung quanh. Muốn vậy, phải biết rõ mình, khách hàng và đối thủ cạnh tranh mới đưa ra được mục tiêu phù hợp, khả thi và cải tiến được năng suất. Xây dựng và áp dụng tốt hệ thống quản lý ISO, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững và đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường, xã hội và vượt qua được những rủi ro, thách thức” - ông Kyeong Ho Nam nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Việt Nam và các đại biểu còn trao đổi về các vấn đề như tầm quan trọng của hệ thống chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO; hoạt động công nhận, thừa nhận quốc tế chứng chỉ ISO; lợi ích khi của thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của Tổ chức công nhận quốc tế (IAF MLA); một số chứng chỉ ISO hiện nay; làm thế nào để các tổ chức chấp nhận những chứng chỉ đã được cấp;…
Kiều Anh