Đó là nội dung chính tại Diễn đàn khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp: Giải pháp từ thực tiễn” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 24/04/2018.

Diễn đàn Khởi nghiệp 2018 do VCCI chỉ đạo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: KHPT

Diễn đàn Khởi nghiệp 2018 do VCCI và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: Hải Đăng

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi nổi và chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2017, thị trường Việt Nam ghi nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (KNST) với tổng số vốn lên đến 291 triệu USD, tăng gấp đôi về số thương vụ và gần 50 % về tổng vốn đầu tư so với năm 2016 – số liệu của Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (KHCN), Bộ KHCN.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho KNST ở Việt Nam còn quá khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Cụ thể, theo Tech in Asia, trong năm 2017, khu vực Đông Nam Á đã thu hút 7,86 tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp, như vậy Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chưa tới 5%.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này, nhưng cơ bản và quan trọng nhất, theo TS. Vũ Tiến lộc – Chủ tịch VCCI, đó là do chúng ta vẫn chưa tự xây dựng cho mình được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh và đủ phát triển để làm bệ đỡ chắp cánh cho các doanh nghiệp. Nhắc đến tinh thần khởi nghiệp, có lẽ người Việt Nam không hề thua kém so với thế giới, bởi trong mắt bạn bè quốc tế, chúng ta là một dân tộc tràn đầy năng lượng sống và mang trong mình khát vọng đột phá rất lớn. TS. Lộc dẫn chứng về một báo cáo do VCCI tham gia thực hiện (Global Entrepreneuship Monitor hay GEM 2015-2016), khảo sát 60 nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới, theo đó Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nước dẫn đầu về tinh thần khởi nghiệp, tuy nhiên “khả năng hiện thực hóa ý tưởng và đưa ra mô hình kinh doanh khởi nghiệp phù hợp với thực tế thì chúng ta lại chỉ đang nằm ở 20 nền kinh tế nửa sau.”

Để cải thiện môi trường sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh vai trò của nguồn vốn, nhất là vốn khởi nghiệp lại mang những tính chất hết sức đặc thù. Hiện nay, dù đã có khoảng trên dưới 50 quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam, nhưng vẫn còn rất tản mạn và chủ yếu là quy mô nhỏ.“Chúng ta hay nói nhiều đến quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng cần đào sâu nghiên cứu thêm về các quỹ này. Đồng thời phải tạo cơ chế khuyến khích các quỹ, để nhà đầu tư tập trung vào sáng tạo ý tưởng, còn lại nguồn vốn khởi nghiệp thì luôn sẵn sàng. Nguồn vốn cho khởi nghiệp chính là "bầu sữa” giúp cho khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, chúng ta cần cách thức hợp lý hơn cho bầu sữa này phát triển.”

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: DĐDN

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: DĐDN

Trách nhiệm này, theo TS Lộc, cần nhận được sự gánh vác và san sẻ của các doanh nghiệp lớn, bởi họ là những người đi trước, sở hữu nguồn lực dồi dào, và quan trọng hơn “đối với trách nhiệm xã hội thì hỗ trợ khởi nghiệp chính là một trong những động lực mạnh mẽ nhất để thúc đẩy cộng đồng phát triển”. Vì một đồng đầu tư cho khởi nghiệp có thể tạo ra lợi ích cả trăm đồng cho xã hội, cho nên các công ty, tập đoàn lớn cần đưa lĩnh vực này vào trong chương trình hành động và danh mục chi tiêu. “Hãy dành ra một phần vốn để đầu tư cho khởi nghiệp!”

Để làm được điều này, Chủ tịch VCCI khẳng định vai trò của các hiệp hội ngành nghề là rất quan trọng, đặc biệt liên quan đến nhiệm vụ kêu gọi, cung cấp thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp.

Ngoài ra, vốn khởi nghiệp cũng không đơn thuần chỉ là tài chính mà còn là vốn xã hội, như kết nối hay mạng lưới (network). Vì vậy, các doanh nghiệp lớn đi trước không phải chỉ cần làm tốt vai trò cung cấp, hỗ trợ tài chính cho các start-up non trẻ, mà còn phải hậu thuẫn, tạo điều kiện cho họ trong việc tiếp cận vốn xã hội, nhất là tăng cường khả năng và mở rộng mạng lưới kết nối. “Chúng ta hãy đặt các start-up lên vai của mình để thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp. Đó chính là nhiệm vụ của các doanh nhân đi trước”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.