Xâm nhập mặn cao nhất trên các cửa sông Cửu Long vào các kỳ triều cường 11-15/3 và 27-31/3. Các địa phương cần chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với mặn tăng trở lại ở các kì triều cường.

Theo bản tin dự báo nguồn nước ĐBSCL của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong tuần, mặn có xu thế giảm và tăng trở lại vào kỳ 12 - 15/3. Mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km, 75-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên sông Cái Lớn. Trong tuần không xuất hiện mưa nên nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào đầu nguồn, đề phòng gió Chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long.

Vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước hiện thuận lợi cho sản xuất, tận dụng thời điểm lấy nước ở các vị trí xa kênh trục. Chủ động sản xuất sớm vụ đông xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng kiệt. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên đề phòng hạn ở các vùng này.

Hạn mặn tiếp tục duy trì cao ở tháng 3   Ảnh: Internet
Xâm nhập mặn tiếp tục duy trì cao ở tháng 3. Ảnh: Internet

Vùng giữa ĐBSCL, mặn xuất hiện sớm đã ảnh hưởng đến các cửa lấy nước vào các kỳ triều cường, cần chủ động tích nước. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Xâm nhập mặn cao nhất trên các cửa sông Cửu Long trong tháng vào các kỳ triều cường 11-15/3 và 27-31/3. Các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với mặn tăng trở lại ở các kì triều cường.

Đối với vùng ven biển, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long duy trì cao trong tháng 3. Chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt. Kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất giảm thiểu thiệt hại mặn lên cao ở tháng 3.

Bên cạnh đó, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng khuyến cáo, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi giữa hai sông Vàm Cỏ giữa tháng 3, hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) rất cao gây nguy hiểm cho động vật thủy sinh nên cần có biện pháp xử lý và lắng lọc trước khi cấp nước vào ao nuôi. Ngoài ra, ô nhiễm vi sinh do có số lượng Coliform trong nước cao, cần có biện pháp xử lý nếu lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cẩn trọng trong việc lấy nước tưới cho các loại rau ăn sống.

Hàm lượng NO2 trong vùng cũng khá cao và bị ô nhiễm hữu cơ thời gian dài, nên cần có biện pháp thích hợp để khơi thông dòng chảy, cung cấp thêm ôxi hòa tan (DO) để quá trình nitrát hóa diễn ra nhanh hơn, giảm ảnh hưởng của Nitrite đến đời sống thủy sinh. Đồng thời phải cải tạo ao nuôi, bùn và các chất cặn bã phải được loại bỏ, quản lí cho ăn tốt tránh cho ăn dư thừa hạn chế trường hợp thức ăn dư thừa tích tụ lâu dài làm gia tăng hàm lượng Nitrite trong nước.