Tiếp theo Chương trình Kỹ thuật hàng không hệ đại học, Đại học Việt-Pháp vừa ra mắt chương trình thạc sĩ Quản trị Vận tải Hàng không Quốc tế (IATOM) nhằm đào tạo các nhà quản lý cao cấp tương lai làm việc tại các hãng hàng không, sân bay, nhà sản xuất máy bay...


Đại diện của Đại sứ quán Pháp, Airbus, ENAC và USTH chụp ảnh kỷ niệm tại lễ ra mắt chương trình IATOM, Hà Nội, 7/6/2019. Ảnh: USTH

Chiều 7/6/2019, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt-Pháp) đã tổ chức lễ ra mắt chương trình thạc sĩ Quản trị Vận tải Hàng không Quốc tế (IATOM).

Tham dự buổi lễ có ông Francois de Bortoli - Giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của Airbus, ông Michel Chauvin; Quản lý chương trình sau đại học của trường Đại học Hàng không Dân dụng Pháp (ENAC); PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh – quyền Hiệu trưởng USTH, cùng đại diện đến từ các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh, quyền Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh việc ra mắt chương trình IATOM đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo hàng không tại USTH. Chương trình ra đời dựa trên sự hợp tác chặt chẽ của USTH và ENAC, cùng với hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của tập đoàn Airbus.

Cùng với chương trình Kỹ thuật hàng không (trình độ đại học) tuyển sinh lần đầu vào năm ngoái, chương trình IATOM được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời trở thành tham chiếu về đào tạo hàng không, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý, bảo trì và điều hành.

Đào tạo các nhà quản lý hàng không cao cấp tương lai

Ông Michel Chauvin, Quản lý chương trình IATOM tại ENAC - trường đại học hàng không lớn nhất châu Âu, cho biết, đây là chương trình đầu tiên được ENAC triển khai tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Học viên sẽ học 01 kỳ tại USTH; 02 kỳ tại trụ sở ENAC ở Toulouse, Pháp; và 01 kỳ thực tập tốt nghiệp tại Việt Nam hoặc các quốc gia châu Á, châu Âu.


Sinh viên Chương trình Kỹ thuật hàng không, Đại học Việt-Pháp, thực hành trong Phòng thí nghiệm Hàng không của trường. Ảnh: Hồng Khánh

Chương trình thạc sĩ IATOM chủ yếu đào tạo các nhà quản lý cao cấp tương lai làm việc tại các hãng hàng không, sân bay, nhà sản xuất máy bay cùng các nhà thầu phụ, cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ điều hướng hàng không.

Chương trình sẽ trang bị cho người học kiến thức toàn diện về các nguyên tắc cơ bản trong kỹ thuật hàng không, kiến thức liên quan đến nguyên lý bay, quy trình bảo dưỡng máy bay. Bên cạnh đó, người học còn được cung cấp các khóa về kinh tế và kỹ năng quản lý, để đảm bảo có sự hiểu biết sâu rộng về hệ thống vận tải hàng không và cách thức quản lý của các hãng hàng không trên toàn thế giới sau khi tốt nghiệp.

Đối tượng tuyển sinh bao gồm sinh viên có bằng cử nhân về Kỹ thuật hàng không, cơ học, toán học, cơ điện tử, vật lý và có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập. Hình thức tuyển sinh là xét hồ sơ và phỏng vấn. Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với mức học phí 7.500 USD/năm (tương đương khoảng 174.000.000 đồng). 3 sinh viên xuất sắc nhất sẽ được trao học bổng cho học kỳ 2 và 3 tại ENAC, bao gồm 700 USD/tháng cộng với vé máy bay Hà Nội - Toulouse trị giá khoảng 1.560 USD. Bằng Thạc sĩ IATOM do ENAC cấp có giá trị toàn cầu.