Mới đây, các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu biển nhiệt đới Leibniz (Đức), Đại học Bremen (Đức) và Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã chứng minh, chất lượng của các sản phẩm tảo có thể được cải thiện nhờ việc sử dụng ánh sáng cường độ cao.

Trước đây, các nhà khoa học đã biết rằng, rong nho khi tiếp xúc với cường độ bức xạ ánh sáng cao sẽ sản sinh ra nhiều chất chống oxy hóa hơn, chẳng hạn như vitamin C và E, β-carotene và các polyphenol khác nhau - những chất làm tăng giá trị dinh dưỡng của chúng đối với con người. “Liệu người nông dân có thể sử dụng cường độ ánh sáng như một biện pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng nho biển một cách hiệu quả không?”, nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi.
Để trả lời câu hỏi, các nhà khoa học đã sử dụng năm cường độ ánh sáng khác nhau để chiếu sáng rong nho, trong đó mỗi loại dùng để chiếu trong 14 ngày. Sau đó, hàm lượng chất chống oxy hóa của rong nho được nhóm nghiên cứu xác định bằng phương pháp trắc quang (photometry). Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng so sánh kết quả này với các loại trái cây khác nhau, chẳng hạn như lựu và kỷ tử - những loại “siêu trái cây” vốn được biết đến là có hàm lượng chất chống oxy hóa cao.

Kết quả cho thấy, rong nho sau khi được chiếu xạ đã tăng gấp đôi hàm lượng chất chống oxy hóa, tương đương với mức trong hạt của quả lựu. Do đó, theo nhóm nghiên cứu, người nông dân có thể sử dụng ánh sáng với cường độ cao như một phương pháp xử lý sau thu hoạch để tăng chất chống oxy hóa cho sản phẩm.

Kết quả nghiên cứu được công bố trong bài báo “Improving the nutritional value of edible Caulerpa lentillifera (Chlorophyta) using high light intensities. A realistic tool for sea grape farmers” trên tạp chí Algal Research.