Trong tổng số 3.158 chuyên gia được cập nhật trong cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN năm 2016, chỉ 3% đến từ các tỉnh Bắc Trung bộ, 5% ở Nam Trung bộ và 10% ở Nam bộ.

Đó là thông tin được Bà Nguyễn Bảo Ngọc - Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - đưa ra tại Hội nghị tổng kết về “Công tác quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên gia KH&CN năm 2016” vừa tổ chức tại TPHCM.

Theo quyết định số 588/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN về việc xây dựng, quản lý và sử dụng CSDL chuyên gia của bộ, CSDL này được khai thác để phục vụ công tác quản lý KH&CN, phải liên tục cập nhật thông tin mới của chuyên gia, đảm bảo phần mềm luôn hoạt động ổn định. Tính đến tháng 11/2016, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã khai thác CSDL, cung cấp trên 15.000 lượt chuyên gia để dự kiến thành lập trên 1.200 Hội đồng tư vấn nhiệm vụ cấp quốc gia cho 15 đơn vị thuộc Bộ KH&CN và một số đơn vị ngoài bộ. Mỗi hội đồng tư vấn nhiệm vụ KH&CN đã sử dụng trung bình 7 chuyên gia thuộc CSDL, đảm bảo thực hiện đúng Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành luật về việc tổ chức các hội đồng tư vấn nhiệm vụ KH&CN.
Các đại biểu tại hội nghị về cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN.
Các đại biểu tại hội nghị về cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN.


Bà Ngọc cho biết, năm 2016, CSDL này đã liên tục phát triển và đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu sử dụng chuyên gia của công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Tuy nhiên, cơ cấu chuyên gia theo vùng đang mất cân đối theo hướng thiếu hụt chuyên gia miền Trung và Nam bộ. Theo bà Ngọc, vấn đề này đã được nhìn nhận từ năm 2015, nhưng qua năm 2016 vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, một số ngành như y học lâm sàng, địa lý kinh tế - xã hội, bảo quản chế biến, khoa học xã hội và nhân văn vẫn thiếu chuyên gia, cần tích cực bổ sung trong thời gian tới. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và chuyên gia KH&CN để các chuyên gia cung cấp thông tin liên hệ, gửi ý kiến đóng góp để cải tiến việc quản lý CSDL, chủ động cung cấp thông tin mới trong hoạt động KH&CN của mình để cập nhật vào CSDL.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, CSDL cần được cập nhật thường xuyên, có sự tương tác giữa các chuyên gia với nơi điều hành CSDL; nên mở rộng CSDL khai thác về các vấn đề khác chứ không chỉ ở việc tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN. Ngoài ra, nên tổ chức trao đổi thường xuyên để đánh giá về việc cập nhật CSDL cũng như mở rộng thêm các đối tượng chuyên gia là Việt kiều.