Bọt xốp polyurethane (PU Foam) là vật liệu phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp hiện nay. Loại bọt xốp này thường được chế tạo từ polyol (hóa chất trắng) có nguồn gốc từ dầu mỏ, dẫn đến nhiều lo ngại về vấn đề môi trường.

Do vậy, các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, trường Đại học Mỏ - Địa chất, trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) đã tìm cách chế tạo polyol sinh học từ bột tre. Họ đã sử dụng phương pháp hóa lỏng trực tiếp kết hợp với vi sóng - một trong những phương pháp hóa lỏng phổ biến nhất do tính đơn giản và hiệu quả, để chuyển đổi bột tre thành polyol lỏng, sau đó dùng để tổng hợp bọt xốp polyurethane sinh học. Kết quả phân tích cho thấy bọt xốp polyurethane sinh học có mật độ và cường độ nén lần lượt là 34 kg/m3 và 89 kPa. Điều đáng chú ý là các dẫn xuất lignin trong polyurethane sinh học giúp cải thiện độ bền nhiệt của vật liệu này đáng kể, với dải nhiệt độ là 370-800oC.

Những kết quả trên cho thấy tre có tiềm năng lớn trong sản xuất vật liệu bọt xốp polyurethane, giúp hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Họ đã công bố kết quả này trong bài báo “Microwave-assisted polyol liquefication from bamboo for bio-polyurethane foams fabrication” trên tạp chí Journal of Environmental Chemical Engineering.