Không cần lấy mẫu nước thủ công mỗi giờ trong ngày, hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn do Viện Công nghệ Nano (INT) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM nghiên cứu và sản xuất, có thể thay thế cách quan trắc truyền thống, giúp giảm nhân công, cho độ chính xác cao.
Đây cũng là một trong những sản phẩm của Dự án FIRST “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua việc hoàn thiện và làm chủ công nghệ sản xuất mực in nano bạc dùng trong chế tạo linh kiện vi điện tử và hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản” do INT triển khai thực hiện từ năm 2017 – 2019.
PGS.TS Đặng Mậu Chiến, Viện trưởng INT cho biết, quan trắc xâm nhập mặn hiện nay chủ yếu vẫn là công tác thủ công, lấy mẫu nước mỗi giờ. Công đoạn này tiêu tốn nhiều thời gian, nhân công và kết quả đo thường không chính xác. Mục tiêu ban đầu của Dự án FIRST là triển khai nghiên cứu, sản xuất 2 sản phẩm chính nói trên. Nhận thấy hệ thống quan trắc xâm nhập mặn tự động là sản phẩm mà thực tế nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang cần đến, nên INT đã đề xuất nghiên cứu thêm sản phẩm này nhằm tận dụng dây chuyền sản xuất, thiết bị có trong dự án để chế tạo.
Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động được tích hợp đầu dò cảm biến chuyên dụng để theo dõi và cảnh báo độ mặn của nước trên kênh rạch hoặc cửa biển, nhằm chủ động trong việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy hải sản và sinh hoạt. Hệ thống làm việc 24/24, cập nhật thông tin liên tục và đặc biệt là có khả năng kết nối không dây đến các thiết bị ngoại vi như điện thoại di động, máy tính để cảnh báo độ mặn khi vượt ngưỡng.
Hệ thống được thiết kế có phần phao và cảm biến có thể thả nổi trên mặt nước. Ngoài quan trắc liên tục độ mặn, hệ thống còn đo được nhiệt độ của nước. Dữ liệu đo đạc được ghi trực tiếp và liên tục vào máy tính, có thể truy cập dữ liệu từ xa qua mạng Internet thông qua Web Server. Khi các thông số vượt ngưỡng, hệ thống tự động gửi tin nhắn cảnh báo trên máy tính hoặc điện thoại. Hệ thống cũng kích hoạt tự động máy bơm thông qua kết nối không dây khi độ mặn nhỏ hơn mức ngưỡng. Toàn bộ hệ thống được vận hành từ nguồn năng lượng mặt trời có sẵn trên hệ thống. Khi có cảnh báo mặn tự động, ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương có thể đóng cống và người dân có thể sử dụng nước ngọt dự trữ, giảm thiệt hại tới nông nghiệp và đời sống.
Theo PGS.TS Đặng Mậu Chiến, ưu điểm của hệ thống là có dải đo độ mặn từ 0 -15 phần nghìn, năng lượng sử dụng hoàn toàn độc lập từ thiết bị năng lượng mặt trời. Ngoài ra, do có trọng lượng nhẹ và dễ lắp đặt, nên hệ thống có thể di chuyển tại các khu vực cửa sông, giúp đo độ mặn chính xác tại bất kỳ vị trí nào mong muốn.
Thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, với vị trí địa lý, độ mặn khác nhau. Các hệ thống sau khi lắp đặt hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.
Kiều Anh