Chủ trương này được thực hiện thông qua các nhiệm vụ KH&CN, nhất là các nhiệm vụ cấp quốc gia. Từ năm 2001, luôn có một chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng vật liệu mới.

Ngày 10/4 tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ KH&CN và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH đất mước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội thảo, cùng với sự tham dự của hơn 400 đại biểu từ các ban, ngành, bộ, địa phương, tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp,…

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong phát triển nhân lực ngành công nghiệp vật liệu, Bộ KH&CN luôn chủ trương đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông qua các nhiệm vụ KH&CN, nhất là các nhiệm vụ cấp quốc gia. Từ năm 2001, luôn có một chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia khác.

b
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TM

Trong giai đoạn 2011 – 2020, đã có hàng trăm nhân lực chất lượng cao trong ngành vật liệu được đào tạo, thông qua việc triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia. Tiêu biểu nhưng Chương trình KC 02 đã đào tạo 29 tiến sĩ, 70 thạc sĩ; Chương trình phát triển vật lý đào tạo 3 nghiên cứu sinh, 16 thạc sĩ;... Các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước nâng cao trình độ. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có hơn 100 lượt nhà khoa học được bố trí kinh phí tham gia các chương trình học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài thông qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo nghị định thư và qua tài trợ của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia.

Bộ trưởng cũng cho rằng, với nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu ngày càng cao như hiện nay, Việt Nam không chỉ tập trung đào tạo bồi dưỡng mà còn rất cần các cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí là các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ vật liệu trong nước. “Đây là nguồn cung nhân lực lớn, chất lượng cao mà chúng ta cần lưu tâm để đẩy mạnh việc thu hút trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, cùng với trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, y sinh, khoa học vật liệu - đặc biệt là khoa học vật liệu tiên tiến - là một trong ba mũi đột phá của ĐH Quốc gia TPHCM. Trong lĩnh vực này, ĐH Quốc gia TPHCM đã đi tiên phong triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu. Qui mô đào tạo ngành khoa học vật liệu mỗi năm là khoảng 400 sinh viên và hơn 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh, chưa kể các ngành gần với khoa học vật liệu như: vật lý, hóa học, y sinh… Về nghiên cứu khoa học, ĐH Quốc gia TPHCM đã phối hợp với các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học quốc tế tiên phong thành lập Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Viện Công nghệ Nano,… và đạt được nhiều kết quả.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu và thời gian qua, ngành này đạt được những kết quả quan trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

v
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: TM

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển KH&CN. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

“Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

l
Bộ KH&CN và ĐH Quốc gia TPHCM ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CNgiai đoạn 2021-2025 Ảnh: TM

Hội thảo cũng được nghe các tham luận, trao đổi của các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung phân tích, làm rõ vai trò của ngành công nghiệp vật liệu trong quá trình CNH – HĐH đất nước; thực trạng của ngành công nghiệp vật liệu ở nước ta trong thời gian qua; thực trạng của nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu; kinh nghiệm quốc tế về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu; đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn cho phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu;…

Tại hội thảo, ĐH Quốc gia TPHCM và Bộ KH&CN đã ký kết chương trình phối hợp công tác hoạt động KH&CN giai đoạn 2021-2025.