Việc các viện nghiên cứu công bố báo cáo hàng năm sẽ tạo ra động lực phát triển. Theo đó, báo cáo phải nêu những việc đã làm, kết quả kết quả đạt được, tiền chi vào những việc gì. Nếu kết quả không tốt sẽ không nhận được tiền đầu tư vào năm tiếp theo.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức nghiên cứu tiên tiến: Từ lý luận đến thực tiễn” vừa được Sở KH&CN TPHCM tổ chức. Đây là một trong những hoạt động trong chương trình Phát triển tiềm lực KH&CN của TP HCM đến năm 2020.
Thông qua các ý kiến được trình bày trong hội thảo, Sở KH&CN sẽ xây dựng bộ tiêu chí về mô hình tổ chức KH&CN tiên tiến nhằm hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu của thành phố tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP HCM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NV
Tham gia của các nhà khoa học đến từ các tổ chức KH&CN trên thế giới đã mang tới những mô hình tiên tiến đã đạt được thành công như mô hình nghiên cứu ở Đức, Pháp, Hệ sinh thái cho thương mại hóa, nghiên cứu và phát triển tại Singapo, Tô Châu (Trung Quốc) và Đài Loan.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Đức, GS Michael Braun đã đưa ra mô hình đang hoạt động hiệu quả để quản lý các viện nghiên cứu. Theo ông, ở Đức có nhiều hiệp hội nghiên cứu đóng các vai trò khác nhau, trong đó, 2 hiệp hội tiêu biểu là hiệp hội Max –Planck và hiệp hội Fraunhofer. Nếu như Max-Planck chủ yếu hướng tới các nghiên cứu cơ bản thì Fraunhofer hướng tới nghiên cứu sản phẩm ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng công nghệ và tạo ra sản phẩm.
Phân tích về điểm khác biệt lớn nhất giữa Đức và Việt Nam, ông Michael Braun cho rằng đó là nguồn vồn đầu tư. Nếu như ở Đức, kinh phí đầu tư chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có nhu cầu về việc tạo ra sản phẩm mới thì ở Việt Nam, tiền đầu tư cho nghiên cứu do ngân sách nhà nước.
Ông Michael cho rằng: “Để quản lý các tổ chức nghiên cứu thì yếu tố quan trọng nhất là minh bạch. Nghĩa là chính phủ, các doanh nghiệp đầu tư cần phải biết được viện nghiên cứu đã và đang làm gì và những kết quả đã đạt được. Thậm chí, bất cứ ai quan tâm về hoạt động của các viện nghiên cứu có thể tìm kiếm thông tin trên internet qua báo cáo quốc gia về nghiên cứu và phát triển”.
Đồng ý với ý kiến của ông Michael, TS Lerwen Liu – Trường ĐH Khoa học tự nhiên Singapore cũng cho rằng, ở các nước phát triển, các báo cáo hàng năm sẽ tạo ra áp lực để các viện nghiên cứu phải hoạt động hiệu quả. Bởi lẽ, dựa vào báo cáo này, doanh nghiệp và chính phủ sẽ xác định xem viện nghiên cứu đó hoạt động có hiệu quả không để phân bổ kinh phí trong năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TP HCM đánh giá: “Trong hệ thống các tổ chức KH&CN ở Việt Nam hiện nay, còn thiếu các tổ chức nghiên cứu ứng dụng đủ mạnh về quy mô, thiếu tính liên ngành, đội ngũ nhân lực trình độ cao và hạ tầng nghiên cứu hiện đại để có thể cung cấp công nghệ và trợ giúp kỹ thuật tiên tiến, tác động mạnh tới các ngành”.
Căn cứ vào các góp ý của các nhà khoa học và nghiên cứu trong nước, quốc tế, Sở KH&CN TP HCM sẽ xây dựng bộ tiêu chí đề xuất về mô hình tổ chức KH&CN tiên tiến nhằm hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu của thành phố tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.