Voicebot, tổng đài ảo thông minh áp dụng trong chuỗi các cửa hàng bán lẻ, giảnh giải nhất Chung kết cuộc thi lập trình trí tuệ nhân tạo Hackathon Vietnam AI Grand Challenge (Hackathon VAGC).

Đại diện nhóm lập trình Voicebot (giữa) nhận giải Nhất Hackathon VAGC, diễn ra ngày 16/8 trong Ngày hội AI4VN. Ảnh: BTC.

Ngày cuối cùng của Ngày hội Trí tuệ nhân tạo quốc gia (AI4VN), 16/08/2019, diễn ra Chung kết Hackathon VAGC. Tại đây 12 dự án trí tuệ nhân tạo (AI) cạnh tranh giành ngôi vô địch và giải thưởng 10.000 USD.

Hackathon VAGC là cuộc thi giữa các dự án AI trong cả nước, gồm 3 Hackathon được tổ chức tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Qua bốn tháng và 3 thành phố, chương trình đã tìm ra 12 dự án xuất sắc. Các dự án này được hoàn thiện thông qua chương trình Kambria AI Incubation Program để tranh tài trong vòng Chung kết ngày 16/8/2019 tại Ngày hội AI4VN.

Về 12 dự án tham dự Chung kết Hackathon VAGC

7 trên 12 đội thi cung cấp đa dạng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực bán lẻ, đồng hành cùng đối tác Viet Thai International:

1. Tobtob: chatbot gọi món tự động tại nhà hàng, khách sạn.
2. DTU-CSE: chatbot tư vấn sản phẩm cho khách hàng qua nhận diện gương mặt, lời nói và cảm xúc.
3. FTech: trợ lý tư vấn, chăm sóc khách hàng qua nhận diện giới tính và độ tuổi.
4. Voicebot: tổng đài ảo thông minh.
5. Code_for_food: trợ lý gọi món online và quản lý đơn hàng qua giọng nói.
6. FamTech: trợ lý mua hàng trực tuyến dựa trên nhu cầu và trải nghiệm khách hàng.
7. Bookworm: trợ lý kinh doanh trực tuyến, tìm kiếm, chào hàng và tiếp nhận đơn hàng tự động.

5 đội còn lại hướng tới các giải pháp trong lĩnh vực giáo dục, y tế với sự đồng hành của 2 đối tác Topica và Ohmnilabs:

8. YoungGRD: trợ lý ảo giúp người dùng học tiếng Anh từ tin tức hằng ngày.
9. Hydra: trợ lý hỗ trợ phụ huynh trong việc theo dõi và chăm sóc sức khoẻ con cái.
10. FatherLife: trợ lý trò chuyện, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện các bài tập thể dục cho người cao tuổi.
11. Hope: trợ lý phát hiện việc té ngã ở người cao tuổi và cảnh báo cho người thân/ bệnh viện gần nhất.
12. Antimatlab: thiết lập hệ thống cảnh báo, ngăn chặn các hành vi quấy rối và xâm hại tình dục tại nơi công cộng.

Đội thi YoungGRD giới thiệu sản phẩm trợ lý ảo giúp học tiếng Anh. Ảnh: BTC.

Tại vòng Chung kết các dự án trình diễn demo và thuyết trình về sản phẩm, Ban giám khảo đánh giá dựa trên (i) Tiêu chí Kinh doanh (khách hàng tiềm năng, khả năng gọi vốn và kế hoạch kinh doanh), (ii) Tiêu chí Kỹ thuật (tính độc quyền của công nghệ, tính phù hợp nhu cầu kinh doanh) và (iii) Tiêu chí Cộng đồng (số phiếu bình chọn từ cộng đồng trên platform Kambria).

Giải Nhất Hackathon VAGC thuộc về Voicebot, với sản phẩm tổng đài ảo thông minh, áp dụng trong chuỗi các cửa hàng bán lẻ. Tổng đài ảo tự động tương tác với khách hàng qua giọng nói để nhận đặt đơn hàng, nhận các ý kiến câu hỏi từ khách hàng gọi lên tổng đài, chăm sóc khách hàng tự động, chủ động gọi cho từng khách hàng để thu nhận các ý kiến phản hồi của khách hàng về sản phẩm

Quán quân cuộc thi sẽ nhận 10.000 USD, á quân 1 nhận 4.000 USD, á quân 2 nhận 2.000 USD; các đội tham gia có cơ hội kết nối dự án với các tập đoàn lớn.