Trong Bảng xếp hạng các trường đại học khu vực châu Á năm 2020 do tạp chí Times Higher Education vừa công bố, Việt Nam có 3 đại diện là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.


Đại học Quốc gia Hà Nội có tổng số điểm cao nhất trong 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (27.3-30.4) vào danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á của THE. Ảnh minh họa: Lễ trao bằng thạc sĩ của Khoa Quản Trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: hsb.edu.vn

Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng trong nhóm 201-250, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 251-300 và Đại học Quốc gia TPHCM trong nhóm 400+.

Trong ba trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt điểm cao nhất về các tiêu chí: Giảng dạy, Nghiên cứu, Quốc tế hóa. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm cao nhất về tiêu chí Chỉ số trích dẫn, trong khi Đại học Quốc gia TPHCM có điểm cao nhất về tiêu chí Thu nhập từ doanh nghiệp.

Trong Bảng xếp hạng năm nay, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) vẫn giữ ngôi đầu bảng. Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng 3 bậc so với năm ngoái, lên vị trí thứ 2, thế chỗ Đại học Quốc gia Singapore.

Trong số 10 trường đại học hàng đầu khu vực châu Á, Trung Quốc có 3 đại diện. Nước này cũng có 81 trường lọt vào danh sách, tăng 9 trường so với năm ngoái.

Mặc dù chỉ có một đại diện là Đại học Tokyo lọt vào tốp 10 nhưng một lần nữa,Nhật Bản tiếp tục là quốc gia chiếm ưu thế vượt trội với 110 trường nằm trong bảng xếp hạng, cao hơn con số 103 vào năm ngoái.

Singapore cũng là quốc gia nổi bật ở Đông Nam Á khi có 2 trường lọt vào tốp 10 là Đại học Quốc gia Singapore (xếp thứ 3) và Đại học Công nghệ Nanyang (xếp thứ 6).

Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2020 của tạp chí Times Higher Education sử dụng bộ tiêu chí gồm 13 chỉ số thuộc 5 nhóm: Giảng dạy (30%), Nghiên cứu (30%), Chỉ số trích dẫn (30%), Thu nhập từ chuyển giao tri thức (7,5%) và Quốc tế hóa (7,5%). Với cách đánh giá như vậy, những cơ sở giáo dục đại học không phải là đại học nghiên cứu hoặc không mạnh về nghiên cứu khó có thể có mặt trong bảng xếp hạng này.

Năm nay, có gần 500 cơ sở giáo dục thuộc 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á được xếp hạng, trong khi năm trước chỉ có 400 trường.