Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã tạo ra loại thuốc diệt muỗi phun tồn lưu trong nhà có thành phần từ thủy tinh núi lửa nhằm ngăn chặn nguy cơ gây bệnh sốt rét.

Phần dưới chân của muỗi sau khi tiếp xúc với bột đá perlite. Các phân tử đá này sẽ gây mất nước và giết chết con vật. Ảnh: Michael Roe, ĐH Bang North Carolina.

Hàng năm, số ca tử vong trung bình do bệnh sốt rét tại châu Phi lên đến 400,000 người. Để ngăn ngừa muỗi - trung gian lây bệnh, người ta thường sử dụng các phương pháp như mắc màn che hoặc phun thuốc tồn lưu trong nhà. Tuy nhiên, qua thời gian, loài muỗi đang dần miễn nhiễm với các loại thuốc diệt côn trùng thông thường như pyrethroids.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu côn trùng học tại Đại học Bang North Carolina, kết hợp với Liên đoàn Sáng kiến Kiểm soát Vật chủ Trung gian (IVCC) thuộc Đại học Y học Nhiệt đới Liverpool và công ty lọc khoáng chất Imerys đã phát triển và thử nghiệm một loại thuốc phun chống muỗi thay thế có thành phần an toàn và đảm bảo hiệu quả hơn.

Loại thuốc chống muỗi mới, được gọi là Imergard WP, có thành phần từ đá perlite, hay còn gọi là đá trân châu, thường được thêm vào đất làm vườn hoặc làm vật liệu xây dựng. Là loại đá trơ chứa thành phần Silic cao, được hình thành ở nhiệt độ cao trong dòng dung nham núi lửa nên nó được tính là một loại thủy tinh núi lửa. Imergard WP có thể được phun lên tường và trần nhà, và thậm chí bên trong mái nhà. Chỉ gồm hai thành phần là đá perlite trộn với nước và không chứa phụ gia hóa học, loại xịt chống muỗi mới không những không chứa chất độc hại với thú nuôi mà còn có hiệu quả xứng đáng với chi phí bỏ ra. Theo một số kết quả thử nghiệm ban đầu, loài muỗi chưa có biểu hiện miễn nhiễm với loại thuốc xịt này.

Các nhà nghiên cứu đã dựng những túp lều thí nghiệm tại nước Cộng hòa Benin ở Tây Phi nhằm thử nghiệm tác dụng của loại thuốc mới với giống muỗi Anopheles gambiae, vật trung gian gây sốt rét chủ yếu tại vùng hạ sa mạc Sahara. Các túp lều được thiết kế theo 4 nhóm môi trường: không dùng biện pháp chống muỗi nào, chỉ dùng thuốc pyrethroid thông thường, chỉ phun Immergard WP và phun kết hợp cả hai loại.

Kết quả là, hai túp lều được phun Immergard WP có hiệu quả diệt muỗi cao nhất với tỉ lệ muỗi chết duy trì hơn 80% trong suốt 5 tháng sau khi phun và 78% khi sang tháng thứ sáu. “Các phân tử perlite khi xâm nhập vào cơ thể muỗi sẽ gây mất nước và gây tử vong chỉ sau vài giờ tiếp xúc với bề mặt được phun thuốc. Khi đã chạm vào bề mặt chứa perlite, muỗi không thể thoát ra được vì không có khả năng khứu giác để phát hiện được mùi của đá”, nhà nghiên cứu Mike Roe cho biết. Trong khi đó, lều chỉ phun thuốc chống côn trùng thông thường có hiệu quả thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 40-45% trong 5 tháng đầu, sau đó tụt xuống còn 25%.

Dù đã được ứng dụng nhiều trong ngành xây dựng và trồng trọt, đây vẫn là lần đầu tiên perlite được sử dụng như chất chống côn trùng. Nghiên cứu về tác dụng này của perlite có khả năng trở thành một công cụ mới hữu hiệu hỗ trợ các chương trình ngăn ngừa lây nhiễm bệnh qua côn trùng trung gian.

Nguồn: https://phys.org/news/2020-06-volcanic-glass-mosquitoes.html