Các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia (Canada) đã chế tạo thành công một loại vật liệu gỗ siêu đen, có khả năng hấp thụ 99,3% ánh sáng. Họ đặt tên cho vật liệu mới là Nxylon.

Ảnh: Sciencealert.
Ảnh: Sciencealert.

Tên gọi này là sự kết hợp giữa từ “Nyx” (nữ thần bóng đêm của Hy Lạp) và “xylon” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gỗ”. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Advanced Sustainable Systems.

Các nhà khoa học tình cờ phát hiện công thức chế tạo Nxylon trong khi nghiên cứu công nghệ chống thấm nước cho gỗ bằng khí plasma năng lượng cao. Loại khí này làm cho phần đầu của các tế bào gỗ hoàn toàn chuyển sang màu đen và có tính chất hấp thụ ánh sáng vượt trội.

“Nxylon kết hợp những lợi ích của vật liệu tự nhiên với các đặc điểm cấu trúc độc đáo, khiến nó nhẹ, cứng và dễ cắt thành các hình dạng phức tạp”, Philip Evans, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Điều đặc biệt là Nxylon không yêu cầu bất kỳ quá trình xử lý trước phức tạp nào, giúp giảm chi phí và làm cho việc mở rộng quy mô sản xuất vật liệu trở nên khả thi hơn.

Vật liệu siêu đen là thứ rất có giá trị trong các lĩnh vực như thiên văn học, điện Mặt trời và quang học. Nó giúp các thiết bị hoạt động chính xác hơn hoặc hiệu quả hơn bằng cách giảm phản xạ ánh sáng không mong muốn. Ví dụ, vật liệu siêu đen có thể giúp giảm độ chói và cải thiện độ rõ nét trên kính thiên văn.

Vật liệu siêu đen cũng phổ biến trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế vì nó tạo ra hiệu ứng thị giác ấn tượng, làm tăng độ tương phản và sắc nét đối với bất kỳ màu sắc nào ở gần nó.

Nguồn: Sciencealert.com