Trường Đại học California ở Berkeley sẽ không đón nhận các hợp tác nghiên cứu mới với công ty viễn thông Huawei, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra những cáo buộc chống lại công ty này vào ngày 28/1/2019.
Trường Đại học Texas ở Austin cũng xác nhận với Nature là họ đang xem xét lại mối hợp tác với công ty Huawei, vốn là một nhà đầu tư lớn cho nghiên cứu trên toàn thế giới, sau khi trường Đại học Oxford, Anh, cho rằng có thể dừng việc theo đuổi đầu tư mới từ Huawei bởi “những lo ngại trong dư luận tăng lên trong vài tháng gần đây xung quanh các đối tác của Anh”.
Kể từ cuối năm 2018, Huawei – một nhà sản xuất điện tử lớn có trụ sở lại Shenzhen, Trung Quốc, đã bị nhiều chính phủ “soi” do lo ngại về an ninh từ việc sử dụng các thiết bị điện tử Huawei sản xuất cho những mạng lưới viễn thông của mình. Riêng Mỹ đã cáo buộc Huawei đánh cắp các bí mật thương mại, vi phạm các biện pháp trừng phạt kinh tế...
Trên thực tế, sức ảnh hưởng của Huawei không chỉ ở các thiết bị viễn thông họ sản xuất. Họ từng cho biết đã đầu tư 90 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13,3 triệu USD) vào R&D riêng trong năm 2017, trong đó có các khoản đầu tư cho các đối tác ở hàng chục trường đại học trên thế giới.
Trong một bức thư gửi các thành viên của mình vào ngày 30/1/2019 của phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu trường Berkeley là Randy Katz, trường sẽ không tham gia vào các hợp tác nghiên cứu hoặc thảo luận về nó với Huawei, hoặc xem xét chấp nhận các món kinh phí đầu tư mới từ công ty này và chờ kết quả phán quyết về cáo buộc. Những quy định trên có hiệu lực kể từ khi ban hành. “UC Berkeley duy trì mối quan hệ hợp tác với các đối tác nghiên cứu với những tiêu chuẩn cao nhất có thể. Vấn đề nghiêm trọng của những cáo buộc đã làm dấy lên các câu hỏi và lo ngại mà chỉ có hệ thống luật pháp của chúng ta mới có thể giải quyết được”, Katz nhấn mạnh trong bức thư.
Huawei và FutureWei - công ty liên doanh tại Mỹ, đã mở ra 5 chương trình nghiên cứu tại UC Berkeley, ước tính khoảng 7,8 triệu USD đầu tư chỉ trong 2 hai năm qua. Tuy nhiên lệnh cấm các hợp tác nghiên cứu với Huawei không được áp dụng cho những thỏa thuận nghiên cứu đã được thực hiện, theo ông Katz.
UC Berkeley cho biết, không nghiên cứu nào tập trung vào các bí mật công nghệ nhạy cảm và cũng không trao quyền cho công ty này việc độc quyền sở hữu trí tuệ từ các kết quả nghiên cứu, vốn được chia sẻ công khai như các nghiên cứu khác của trường.
Trường Đại học Texas tại Austin — nơi Huawei hỗ trợ đầu tư nhiều dự án nghiên cứu, coi Huawei như một “trường hợp nhạy cảm” do công ty này đã bộc lộ những rủi ro về bảo mật thông tin và xuất khẩu công nghệ cũng như những hướng dẫn đặc biệt chi phối các nhà nghiên cứu của trường trong tương tác với công ty.
Thanh Nhàn (Theo Nature)